Ashui.com

Sunday
Dec 29th
Home Tin tức Việt Nam Điều chỉnh mạng lưới tuyến: Cải thiện rõ rệt chất lượng xe buýt ở Hà Nội

Điều chỉnh mạng lưới tuyến: Cải thiện rõ rệt chất lượng xe buýt ở Hà Nội

Viết email In

Hà Nội vừa điều chỉnh tần suất, thời gian vận hành và hợp lý hóa lộ trình 78 tuyến xe buýt. Giải pháp này bước đầu đã cho thấy hiệu quả đối với cả hành khách lẫn các đơn vị vận tải.  


Điều chỉnh, hợp lý hóa mạng lưới góp phần nâng cao chất lượng xe buýt

Hút khách trở lại

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Thành phố có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện.

Nhiều năm qua xe buýt đã khẳng định được vai trò chủ lực trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Thủ đô. Tuy nhiên, mạng lưới xe buýt của Hà Nội vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt là việc sắp xếp lộ trình, tần suất, thời gian chạy xe.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GTVT Hà Nội đặt ra là phải sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới xe buýt, hợp lý hóa lộ trình, tần suất chạy xe, nhằm tối ưu năng lực phục vụ, mang đến dịch vụ chất lượng hơn cho hành khách.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, đơn vị đã tham mưu rà soát, trình Sở GTVT phê duyệt điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe đối với 78 tuyến buýt.

Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến. Đến nay kết quả mang lại rất khả quan.

Theo thống kê của Trung tâm, 9 tháng năm 2023, sản lượng hành khách của xe buýt ước đạt 410,2 triệu lượt, tăng 57,1% so với cùng kỳ 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 410,2 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2022.

“Sản lượng khách tăng trở lại có nhiều nguyên nhân, và một trong số đó là từ việc điều chỉnh lộ trình, hợp lý hóa tần suất, thời gian chạy xe của các tuyến buýt” - ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, 9 tháng năm nay, đơn vị đã điều chỉnh, hợp lý hóa lộ trình 10 tuyến buýt số: 04, 28, 29, 30, 38,  99, 106, 39, 100, 103B, nhằm giảm ùn tắc giao thông và cải thiện thời gian đi lại cho hành khách.

3 tuyến buýt số: 23, 63, 88 được điều chỉnh để mở rộng vùng phục vụ, kết nối tới một số khu công nghiệp, điểm du lịch của thành phố. Ngoài ra Transerco đã điều chỉnh hợp lý hóa tần suất cho 28 tuyến để phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu luồng hành khách.

Cùng với sự điều chỉnh đó, sản lượng hành khách trên các tuyến buýt của đơn vị đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, 9 tháng năm 2023, Transerco đã vận chuyển trên 103 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó sản lượng khách vé lượt tăng 19%, sản lượng khách vé tháng tăng 49%.

Giảm áp lực cho người lao động

Đại diện Transerco cho hay, việc điều chỉnh, hợp lý hóa lộ trình xe buýt bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực cho cả hành khách lẫn DN. Một số tuyến buýt đã không còn chịu quá nhiều áp lực do lo ngại chậm giờ, ùn tắc giao thông, vận hành những cung giờ vắng khách nữa.

Có thể nói việc điều chỉnh này là rất cần thiết, nhằm đem đến sự thoải mái hơn về điều kiện vận hành cho người lao động, nhất là lái xe. Giúp họ có tâm lý thoải mái và phục vụ hành khách tốt hơn.

Vị đại diện Transerco còn cho biết: “Hiện nay, điều kiện vận hành của các tuyến buýt trên địa bàn thành phố vẫn khá khó khăn do xe cá nhân quá nhiều. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất hợp lý hóa lộ trình, biểu đồ chạy xe trên một số tuyến trong khu vực nội thành như tuyến số: 02, 32, 26, 18…”.

Đánh giá hiệu quả từ việc điều chỉnh lộ trình, tần suất, hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội thời gian qua, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng: “Đây là một giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng xe buýt, mà bấy lâu nay chưa được chú trọng đúng mức”.

Thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích, trong bối cảnh mật độ giao thông cao, xe buýt không có làn đường riêng, hành khách nơi đông nơi vắng… không thể chỉ tập trung vào việc mở mới, kéo dài tuyến. Cần phải sắp xếp, tính toán cụ thể với từng tuyến buýt.

“Có tuyến cần kéo dài ra, có tuyến cần thu ngắn lại, giảm tần suất.. để tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trợ giá và đặc biệt là cung cấp cho hành khách dịch vụ tốt nhất cũng như tạo điều kiện tôi đa cho lái phụ xe buýt giảm áp lực, làm việc hiệu quả hơn” - ông Đỗ Cao Phan nói.

Bên cạnh đó, đại diện Transerco cho rằng, để nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt cần sớm chuyển mình, ưu tiên sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp dịch vụ tốt nhất, thoải mái nhất cho hành khách.

Thời gian qua, Transerco đã đề xuất với Sở GTVT Hà Nội cho sửa chữa, nâng cấp 88 điểm dừng, nhà chờ xe buýt. Đơn vị sẽ tiếp tục rà soát hệ thống, nâng cấp nhà chờ có mái che, đây là một trong những điều kiện quan trọng để phục vụ hành khách tốt hơn.

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề xuất với UBND thành phố cho mời đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt Thủ đô. Ông Thái Hồ Phương thông tin thêm: “Các đơn vị liên quan đang nỗ lực hết sức chuẩn bị cho việc triển khai Thẻ vé điện tử liên thông, mang đến dịch vụ thuận tiện, hiện đại cho hành khách sử dụng xe buýt”.

Đặng Sơn

(KT&ĐT)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...