Sáng 21/11, hệ thống xe máy điện cộng đồng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng thử nghiệm tại trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Hệ thống này được các kỹ sư Bosch phối hợp với sinh viên của 3 trường Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Việt Đức - những người giành chiến thắng The Green Challenge 2015 mà Công ty Bosch Việt Nam tổ chức - thực hiện. Đây là kết quả nối dài của việc biến các ý tưởng giành chiến thắng tại cuộc thi Green Challenge 2015 thành những ứng dụng cụ thể trong cuộc sống.
Hệ thống gồm một trạm xe với bộ xử lý tương tác trung tâm, 6 chiếc xe máy điện gắn với 6 trụ sạc tương ứng. Mái trạm được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời và đây sẽ là nguồn điện để cấp cho các xe hoạt động.
Các khách mời dùng thử xe tại khuôn viên trường Đại học Bách khoa TPHCM. (Ảnh: Đức Tâm)
Anh Đinh Anh Khoa, kỹ sư Công ty Bosch Việt Nam giới thiệu về trạm xe với khách tham quan. (Ảnh: Đức Tâm)
Trước mắt, việc sử dụng dừng ở mức thử nghiệm miễn phí dành cho các sinh viên tại trường Đại học Bách khoa TPHCM. Để sử dụng, người dùng cần tạo tài khoản tại http://bosch-green-challenge.com.vn. Kế đến, đăng nhập để chọn trạm xe và đặt xe. Sở dĩ phải chọn trạm xe vì sắp tới, Bosch sẽ ra mắt thêm hai trạm xe mới tại Đại học Việt Đức - Bình Dương và Đại học Bách khoa Đà Nẵng vào tháng 12/2016.
Sau khi đặt xe, người dùng sẽ được cấp một mã số. Với mã số này, người dùng đến trạm đã chọn, nhập vào màn hình tại bộ xử lý tương tác trung tâm - tương tự như một cây ATM, để lấy thẻ kích hoạt xe. Thẻ này dùng để mở, khóa xe. Nón bảo hiểm được đặt dưới yên xe.
Một chiếc xe được sạc đầy điện có thể chạy được quãng đường 80 km với vận tốc tối đa là 45 km/giờ. Sau khi sử dụng xong, người dùng chỉ việc đưa xe trở lại trạm. Ở mỗi trụ sạc đều có ổ khóa tự động, xe đưa vào sẽ được tự động khóa ngay. Tiếp theo, người dùng sẽ quẹt thẻ tại đầu đọc ở bộ xử lý tương tác trung tâm để xác nhận hoàn tất một lượt sử dụng và trả thẻ tại đây. Việc hoàn trả thẻ là cơ sở để hệ thống tính khoản thời gian người dùng sử dụng xe, làm cơ sở tính phí và quản lý trong trường hợp thương mại hóa sản phẩm về sau.
Hiện phạm vi sử dụng được giới hạn trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa TPHCM. Theo anh Đinh Anh Khoa, kỹ sư Công ty Bosch Việt Nam, người phụ trách chính của dự án, sắp đến sau khi việc đăng ký bản số xe, sinh viên có thể sẽ được sử dụng xe di chuyển ngoài phạm vi khuôn viên trường.
Việc thử nghiệm giúp Bosch lấy ý kiến phản hồi từ người dùng để phối hợp với các trường hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Về phương án thương mại, ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, cho biết công ty vẫn đang trong quá trình thảo luận để lựa chọn. Tuy vậy, dù lựa chọn thế nào, điều quan trọng nhất với Bosch là làm sao hệ thống này được sử dụng càng rộng rãi càng tốt vì những lợi ích về kinh tế, lẫn môi trường mà hệ thống mang lại, ông Huệ chia sẻ.
(TBKTSG)
- Cận cảnh 9 mẫu thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành
- Hà Nội: Tổ chức giao thông cho tuyến xe buýt nhanh
- Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) kỷ niệm 60 năm thành lập
- ACV lấy ý kiến phương án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
- Hoa Kỳ hợp tác phát triển hạ tầng đô thị thông minh ở Việt Nam
- Đà Nẵng trưng cầu ý dân 7 phương án Quy hoạch & Thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn
- Bảo vệ quyền tiếp cận biển của người dân
- Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- TPHCM lên kế hoạch chỉnh trang đô thị trong 5 năm
- TPHCM: Nối tuyến metro vào sân bay Tân Sơn Nhất