Dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm”, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ 6 triệu USD, được triển khai từ tháng 9/2015. Dự án triển khai từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, với chiều dài khoảng 15km. Mục tiêu dự án nhằm thiết lập phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế mang tính bền vững của một TP văn hóa và du lịch...
Phối cảnh minh họa Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đoạn qua trung tâm TP Huế.
Quy hoạch mang tính liên kết
Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/6/2014, KOICA Hàn Quốc tiếp tục viện trợ không hoàn lại dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm” và thực hiện dự án thông qua quá trình tư vấn và nghiên cứu của các chuyên gia Hàn Quốc đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của các Sở, ban ngành, TP Huế và ý kiến nhân dân.
Dự án nhằm mục tiêu thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế mang tính bền vững của một TP văn hóa, du lịch. Phạm vi lập quy hoạch dọc tuyến sông Hương, đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên, với chiều dài khoảng 15km. Bề rộng tiếp cận các tuyến đường dọc hai bờ sông, hoặc cách mép sông trung bình mỗi bên khoảng 100m. Phạm vi lập quy hoạch thuộc phạm vi quản lý hành chính của TP Huế và một phần của TX Hương Trà và huyện Phú Vang. Khu vực lập quy hoạch với diện tích 836ha, trong đó diện tích đất dọc hai bờ sông trên 313ha; Diện tích đất cồn Hến trên 26ha; Diện tích đất cồn Dã Viên khoảng 11ha; Diện tích mặt nước của sông Hương khoảng 485ha. Quy mô dân số khoảng 14 nghìn người.
Khu vực trung tâm TP Huế, phía bờ Bắc sông Hương gồm: Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo, bờ Nam sông Hương đoạn đường Lê Lợi, cồn Hến và cồn Dã Viên. Khu vực bờ Bắc sông Hương hình thành nên cảnh quan dọc bờ sông đối diện với Hoàng thành với các công viên Thương Bạc và công viên Phú Xuân, chợ Đông Ba và các công trình thương mại, dịch vụ... Khu vực bờ Nam sông Hương phân bố thành các trục chức năng thương mại, khách sạn, Bảo tàng Lê Bá Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên 3/2, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng... phân bố dọc theo trục đường Lê Lợi. Cồn Hến và cồn Dã Viên hai khu vực nằm về hai phía bên tả hữu của Hoàng thành Huế đồng thời mang giá trị quan trọng về phong thủy trong quá trình hình thành nên đô thị Huế. Cồn Dã Viên khu vực chủ yếu đất cây xanh và đất canh tác nông nghiệp, hiện đang tồn tại công trình nhà máy nước. Cồn Hến được sử dụng với chức năng chính là đất nông nghiệp và chủ yếu là đất ở. Dự kiến sẽ khai thác, phát triển thành chức năng phục vụ du lịch đối với cồn Hến và cồn Dã Viên. Xây dựng 2 trục giao thông chính theo đường ven bờ sông Hương của toàn bộ khu dự án từ thượng lưu sông Hương đến khu vực trung tâm TP về đến Hạ Lưu để đảm nhận chức năng liên kết khu vực chính trong khu dự án. Bố trí 3 cây cầu mới bên cạnh 4 cây cầu cũ theo trục Bắc Nam của sông Hương.
Trở thành điểm nhấn cho đô thị Huế
Ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng TT - Huế cho biết, dự án đã thu thập nhiều ý kiến của các ban, ngành, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử tập trung vào các quy hoạch phát triển không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ sông Hương. Mục tiêu của dự án là thiết lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một TP văn hóa và du lịch...
KOICA tập trung quy hoạch phát triển không gian mở với các công trình công diễn ngoài trời, công trình thương mại, công viên, quảng trường đi bộ và điểm ngắm cảnh. Cùng những công trình thoát nước và xử lý rác thải gắn với quy hoạch phòng chống thiên tai. Quy hoạch chi tiết theo hướng phát triển từng khu vực hạ du, khu qua trung tâm TP Huế và vùng thượng du nhằm cải tạo, xây dựng mới các công trình, gắn kết cảnh quan, phát triển các khu du lịch ven sông, đảm bảo các yếu tố thân thiện môi trường...
Ông Đặng Minh Nam - Viện trưởng Viên Quy hoạch Xây dựng TT - Huế cho biết, dựa vào đặc điểm tự nhiên và giá trị của sông Hương và đô thị Huế làm nền tảng để thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng khu vực và thành lập phương án phát triển hai bờ sông Hương như quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, thiên tai, môi trường. Quy hoạch dọc sông Hương sẽ hình thành không gian du lịch liên tục và xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy. Ở khu vực thượng nguồn, tập trung bảo tồn các khu vực phân bổ di sản văn hóa. Khu vực qua TP Huế, nhất là đoạn kinh thành Huế sẽ liên kết với mảng công viên hai bờ sông hiện có, kiến trúc kinh thành và hạn chế chiều cao các công trình ven sông; mở rộng và phát triển đô thị ở khu vực hạ lưu. Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương phù hợp với các chức năng nhằm xem xét tính bảo tồn, phát triển môi trường sinh thái thân thiện hai bên bờ sông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP Huế nhờ bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, lịch sử và du lịch; đồng thời thực hiện dự án thí điểm theo quy hoạch chiến lược để sông Hương trở thành trung tâm hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí của Huế.
Lấy ý kiến về quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương
Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) vừa phối hợp với UBND TP Huế tổ chức lấy ý kiến người dân đối với nội dung quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương tại số 10 Lý Thường Kiệt, TP Huế, với nội dung: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cảnh quan kiến trúc, quy hoạch hạ tầng, thiết kế đô thị, quy hoạch du lịch văn hóa và đánh giá tác động môi trường. Phương án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đã được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 01/9/2015. Phạm vi nghiên cứu được thực hiện trên chiều dài khoảng 15km, từ làng cổ Bao Vinh đến đồi Vọng Cảnh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên. Bề rộng mỗi bên sông Hương tiếp cận đến các tuyến đường dọc 2 bờ sông hoặc cách mép bờ sông trung bình mỗi bên khoảng 100m. Bước đầu, dự án thí điểm nằm ở vị trí trung tâm TP, ở phía bờ nam sông Hương, từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng. Dự kiến đến 30/6, tất cả các ý kiến của người dân đều được tập hợp, xem xét và báo cáo lãnh đạo tỉnh, các cơ quan liên quan để có những cân nhắc, điều chỉnh phù hợp. Tổng kinh phí thực hiện dự án 6 triệu USD do KOICA tài trợ.
Trí Đức
(Báo Xây dựng)
- Hà Nội ứng dụng công nghệ tiên tiến tái chế chất thải rắn xây dựng
- Công viên Thống Nhất kinh doanh chật vật
- "Nóng nghị trường" với vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà
- Chính phủ sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
- TPHCM: 8.432 hộ bị ngập vì các dự án môi trường, nâng đường
- Hà Nội sẽ cấm xe máy, thu phí xe đi giờ cao điểm vào nội đô để giảm ùn tắc
- Bãi đỗ xe công cộng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội
- TPHCM cần 40 tỉ đô la Mỹ cho 7 chương trình đột phá
- Chưa triển khai quy hoạch bán đảo Sơn Trà
- Huế: Chỉnh trang và quản lý các hồ nội thành