Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Bàn cơ chế kiểm soát quyền lực ở đặc khu

Bàn cơ chế kiểm soát quyền lực ở đặc khu

Viết email In

Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã trở thành nội dung thảo luận chính trong ngày làm việc thứ hai, ngày 11/1, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên họp dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ủy ban đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã trình bày bản báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Trong đó, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (còn gọi là đặc khu), hiện nay có ba phương án, gồm hai phương án do Chính phủ trình và một do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất.  


Một góc khu du lịch Bãi Dài trên huyện đảo Vân Đồn, nơi sẽ trở thành một trong ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trong tương lai.
(Ảnh: baoquangninh.com.vn) 

Bên cạnh việc thảo luận để lựa chọn phương án tổ chức chính quyền hiệu quả, các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các Ủy viên UBTVQH đề cập nhiều đến việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. 

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 11/2017, đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến phát biểu tán thành với Phương án 1, đó là không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh; một số ý kiến tán thành với Phương án 2; đó là tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Phương án 3 do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất, kết hợp các ưu điểm, khắc phục nhược điểm của phương án 1 và phương án 2. Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu hành chính-kinh tế là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành đặc khu cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu.

Phương án thứ ba này có ưu điểm là bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đặc khu, thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân, đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.

Trước đó, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thuộc tỉnh. Mỗi đặc khu lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang hiện đang chủ trì, phối hợp với bộ ngành hoàn thiện các đề án đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án luật cho từng đơn vị. 

Sau 1,5 ngày làm việc , Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 20 để tập trung cho ý kiến về ba dự án luật, một dự thảo nghị quyết và các nội dung khác. Đối với ba dự án luật gồm Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hiện vẫn còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và là những vấn đề mới và khó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến củaUBTVQH và các ý kiến tại phiên họp này, cũng như tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án luật gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến tại địa phương; đồng thời sẽ trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào tháng 4. 

An Yên 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo