Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Việt Nam Quốc hội: Làm rõ tính khả thi vốn ngân sách đầu tư vào đặc khu

Quốc hội: Làm rõ tính khả thi vốn ngân sách đầu tư vào đặc khu

Viết email In

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu để đảm bảo tính khả thi, đồng thời có sự rà soát lại các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cần rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước.  


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát hiểu tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) 

Cần vốn đầu tư hàng triệu tỉ đồng

Theo văn bản thẩm định ba đề án đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu) của Bộ Tài chính, vốn đầu tư cần huy động lên tới cả triệu tỉ đồng. 

Cụ thể, đặc khu Vân Đồn cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỉ đồng giai đoạn 2018-2030. Phần vốn trong nước cho phát triển đặc khu này chiếm 50%, vốn nước ngoài chiếm 50%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội để phát triển bốn vùng động lực đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019-2025 theo tính toán của tỉnh Khánh Hòa lên tới 400.000 tỉ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến 2025, sẽ cần nguồn vốn ngân sách lên tới 45.000 tỉ đồng. Trong khi đó, để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế sầm uất, ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới hơn 40 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 900.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, nước ngoài khoảng 41%.

Các khoản đầu tư trọng yếu là giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện - nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, sân vận động, cung văn hóa...

Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trong số vốn đầu tư nêu trên, ngân sách bỏ ra cũng đáng kể, đó là chưa tính các chính sách ưu đãi như ưu đãi thuế thì thực chất cũng là tiền ngân sách. Ông đồng ý luật này chỉ quy định đối với ba đặc khu: Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong "để tránh sự tràn lan sau này, như đã từng xảy ra đối với các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu".

Đi sâu vào phân tích các yếu tố địa lợi, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng ba đặc khu này có ba vị trí địa lý khác nhau, đặc điểm khác nhau, như vậy cần có ưu tiên khác nhau để phát huy được thế mạnh của từng đặc khu, nên quy định danh mục ưu tiên đầu tư khác nhau đối với mỗi đặc khu là hợp lý.

Theo Quochoi.vn, ông Hiển cho rằng, mục tiêu chính của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực. Do vậy, phải thảo luận kỹ lưỡng về khía cạnh tài chính, ngân sách. Qua đó thấy được ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu lại được gì. Ông đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề kinh tế của ba đặc khu.

Đề cập đến nguồn lực đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, về ngân sách đầu tư, như số tiền đề cập là cần trên 1 triệu tỉ đồng, thì phải khẳng định phần lớn là thu hút đầu tư chứ không phải là từ ngân sách. Theo bà, ngân sách đầu tư phát triển cả nước trong năm năm có 2 triệu tỉ đồng thì làm sao bỏ vào đây 1 triệu tỉ đồng được.

Bà Ngân cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu cụ thể là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời đề nghị, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cần rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước. Vấn đề thu hút đầu tư không có nghĩa là nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm thuế. Mục đích xây dựng đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì. 

Tổ chức bộ máy và con người

Đề cập đến khâu tổ chức bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nói rằng ông đồng ý chỉ có một văn phòng giúp việc chung cho HĐND và UBND. "Nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, bộ máy giúp việc cụ thể thế nào thì chưa thấy rõ". Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng trong thời gian đầu vẫn phải kế thừa bộ máy hiện tại, nhưng phải có lộ trình để sớm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy, đảm bảo yêu cầu quản lý, điều hành tại đặc khu.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn khi dự thảo luật quy định có HĐND hoạt động với đa số đại biểu chuyên trách, nhưng lại không quy định có thường trực HĐND, không có các ban chuyên trách, vậy thì khi UBND trình các đề án, tờ trình thì xử lý thế nào?

Theo Quochoi.vn, phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong vai trò người điều hành đã nêu rõ, đây là dự án luật khó, phức tạp, có nhiều nội dung nhạy cảm, được cử tri quan tâm. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tên gọi của dự án luật là Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; thống nhất, chính quyền đặc khu gồm có HĐND, UBND đặc khu và Chủ tịch UBND đặc khu với bộ máy gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ cụ thể. Phân cấp, phân quyền rõ cho HĐND và UBND đặc khu, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND đặc khu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí không tổ chức cấp phường, xã ở ba đặc khu này mà chỉ tổ chức Trưởng khu hành chính do Chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất, cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bảo đảm tính khả thi, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế… Trên cơ sở thảo luận tại phiên họp ngày 16/4, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo