Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tin tức Việt Nam Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

Viết email In

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.  

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại khu vực các xã: Xuân Canh, Mai Lâm, Đông Hội, huyện Đông Anh để đáp ứng yêu cầu xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và khu vực phụ trợ như ý kiến của Bộ Xây dựng và tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 6, Mục 3.2, Phần 3 tổ chức thực hiện của Quy định quản lý ban hành kèm theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội rộng khoảng 3.344,6 km2 với tính chất là thủ đô của Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt.

Theo quy hoạch, mô hình không gian đô thị Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn), các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có kết nối với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố).

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đô thị trung tâm cũng sẽ là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước.

Trên cơ sở dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người, quy hoạch định ra diện tích đất xây dựng đô thị cho Hà Nội khoảng 45.300 ha, chỉ tiêu khoảng 70m2/ người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300 ha. 

Bảo Anh 

(VnEconomy) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo