Sáng 28/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức hợp long cầu Bạch Đằng sau hơn 3 năm thi công. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cùng lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã tới dự lễ.
Vị trí cầu Bạch Đằng (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps.
Kéo gần Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
Phát biểu tại lễ hợp long, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có chiều dài 5,4 km, rộng 25 m, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Dự án được khởi công vào tháng 1/2015.
Riêng cầu Bạch Đằng dài 3 km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao hơn 48 m, chịu được động đất cấp 8.
"Công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do chính kỹ sư, công nhân Việt Nam thi công. Cây cầu không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn nối đôi bờ sông Bạch Đằng lịch sử", ông Long nhấn mạnh.
Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao gần 100 m, trụ tháp hai bên cao gần 95 m với bốn nhịp cầu dây văng. Ba trụ tháp hình chữ H mang ý nghĩa ba chữ cái đầu của tên các thành phố Hạ Long, Hải Phòng và Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng được thực hiện bằng hình thức BOT. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng.
Điều đáng được mong đợi nhất của cầu Bạch Đằng chính là việc rút ngắn thời gian và khoảng cách từ Hà Nội về Quảng Ninh từ 180 km như hiện nay xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng xuống còn 25 km thay vì 75 km. Thời gian từ Hà Nội xuống Hạ Long từ 3,5 tiếng nay chỉ còn 1,5 tiếng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại lễ hợp long cầu Bạch Đằng. (Ảnh: Hoàng Hà)
Đại dự án do người Việt thiết kế, thi công
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, đại diện liên danh nhà đầu tư, cho biết công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Cây cầu kết nối giao thông thuận tiện với Hải Phòng và Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hạ Long đi Hà Nội chỉ còn một nửa.
Đến nay, cây cầu đã đủ điều kiện để đốt dầm, hợp long, kết nối hai bờ Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu cũng như đơn vị giám sát đã tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cầu đạt chất lượng tốt nhất.
Theo vị này, đây là công trình cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới và là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của Việt Nam. Bởi đây có nhiều yếu tố kỹ thuật cực kỳ phức tạp, một trong hai cây cầu được tổ chức thi công tại Việt Nam.
Cây cầu này đã chứng minh năng lực chuyên môn vượt bậc của các kỹ sư, công nhân Việt Nam. Đến 30/6, cầu Bạch Đằng chính thức thông xe.
Lễ hợp long được thực hiện trong thời tiết mưa phùn. (Ảnh: Hoàng Hà)
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết khi làm việc với giới chuyên môn nước ngoài, họ rất nghi ngờ năng lực của các kỹ sư Việt Nam. Nhưng với cây cầu này, chúng ta đã chứng minh cho cả thế giới thấy kỹ sư, con người Việt Nam có thể làm được những công trình lớn, phức tạp.
Từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Chính nhấn mạnh khi thực hiện xây dựng cầu Bạch Đằng phải nghiên cứu làm sao vừa đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn đi qua, vừa không ảnh hưởng đến sân bay Cát Bi. Bởi sân bay này chỉ cách cầu có 6 km. Đây là việc rất nan giải, phức tạp.
"Cây cầu đã đánh thức nhiều vùng đất đang ngủ yên vươn mình để phát triển kinh tế", Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.
Văn Chương - Hoàng Hà
(Zing.vn)
- Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng): Công bố đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Hùng Thắng đến năm 2035
- Ý kiến trái chiều về thiết kế cải tạo trụ sở hành chính TP.HCM
- Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh
- Thu hồi nhà, đất ‘siêu mỏng, siêu nhỏ’ phục vụ công cộng ở Hà Nội
- Bình Định: Phát hiện nền móng tháp Chăm khoảng 1.000 năm tuổi
- Yêu cầu Hà Nội tập trung làm tuyến đường sắt lên Nội Bài
- Hà Nội khởi công dự án đường trên cao Ngã Tư Sở-cầu Vĩnh Tuy
- Đà Nẵng và Công ty FPT hợp tác xây dựng thành phố thông minh
- TP.HCM: Đề nghị giám sát chất lượng các công trình xây dựng
- Thái Nguyên: Công bố quy hoạch Khu trung tâm hành chính TP Sông Công