Trong thời gian gần đây, các vụ sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra với mật độ dầy hơn, đã nuốt chửng nhiều nhà cửa, ruộng vườn hoa màu cây trái ven sông.
Tại TP. Cần Thơ, trong hai ngày 7 và 21/5 đã xảy ra hai vụ sạt lở bờ sông Ô Môn làm 12 căn nhà sụp đổ xuống sông, 28 căn nhà bị sụp đổ một phần và 35 căn nhà phải di dời khẩn cấp, đó là chưa kể hàng chục mét đường, hoa màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng.
Hiện trường sau vụ sạt lở tại Ô Môn, Cần Thơ trong tháng 5. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Tại tỉnh Vĩnh Long, một vụ sạt lở nghiêm trọng cũng đã xảy ra ở ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm. Đoạn sạt lở dài tới 50 m, sâu vào đất liền 5 m, làm nhiều căn nhà bị sụp xuống sông. Tại các địa phương khác như Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… nhiều hộ dân có nhà ven sông cũng đang sống trong nỗi lo âu trước mối hiểm họa bị mất nhà đang rình rập.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, chỉ 2 vụ sạt lở nói trên đã gây thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng. Còn UBND tỉnh Vĩnh Long sau vụ sạt lở tại thị trấn Vũng Liêm đã quyết định cấm khai thác cát sông tại 19 khu vực, dọc theo các sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Pang Tra, với tổng diện tích hơn 1.200 ha.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, những năm qua tình trạng sạt lở ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn ra khó lường, ngày càng gia tăng cả về phạm vi và tốc độ.
Qua cuộc khảo sát ban đầu, có trên 560 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800 km, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư và công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Đặc biệt, những năm gần đây, sạt lở ở khu vực ĐBSCL diễn ra bất thường, không theo một quy luật nhất định. Riêng sạt lở bờ sông có đến 513 điểm có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 520 km. Đặc biệt, các khu vực thuộc các tỉnh phía thượng nguồn sông Mê-kông như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, thường xảy ra các đợt sạt lở bất ngờ, nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân và nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái, cho biết ĐBSCL được phù sa bồi đắp hơn 6.000 năm nay. Trước đây do bồi hơn lở nên mỗi năm đất của vùng này tiến ra biển Đông 16 mét và tiến về mũi Cà Mau 26 mét. Nhưng hiện nay tình trạng lở thắng thế nên đất đai không nở mà còn teo tóp và không còn phát triển theo quy luật tự nhiên bên lở bên bồi nữa.
Ông Thiện khẳng định nguyên nhân sâu xa của sạt lở gia tăng là do mất cân bằng hệ thống, thiếu phù sa và cát sỏi - hai chất liệu chính bồi đắp làm nên vùng đồng bằng này. Lý do mất cân bằng là do việc xây dựng nhiều đập thủy điện giữ phù sa ở thượng nguồn và nạn khai thác cát sỏi quá mức trên dòng sông.
Đồng tình với quan điểm của ông Thiện, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (trường Đại học Cần Thơ), cho rằng, để hạn chế sạt lở trầm trọng hơn thì trước hết cần chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi như hiện nay.
Ông Tuấn khuyến cáo các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh, rạch và cản trở dòng chảy; khoanh vùng và cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm để di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân. Đặc biệt, xây dựng các bản đồ cảnh báo sạt lở, giới hạn việc quy hoạch bố trí dân cư, khu công nghiệp và các công trình ven sông có nguy cơ sạt lở cao.
Sau khi nhận được phản ánh từ địa phương về tình hình sạt lở, đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đi khảo sát tình hình sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL, để có giải pháp kịp thời cho tình trạng này.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết theo báo cáo của Ủy hội sông Mê-kông, lượng cát sỏi ở khu vực này đã bị sụt giảm đến 32%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở trầm trọng ở khu vục này. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như tác động của dòng chảy, địa chất yếu và sự chất tải quá mức của công trình ven sông. Sau chuyến khảo sát, đoàn sẽ có tổng hợp đầy đủ các nguyên nhân và đề xuất với bộ nông nghiệp các giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu thiệt hại.
“Chúng tôi cũng phối hợp cùng các địa phương lập danh mục công trình cấp bách, mức hỗ trợ cho từng địa phương trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về gói hỗ trợ 2.500 tỉ đồng khắc phục sạt lở tại vùng ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên dự án khắc phục sạt lở gây nguy hiểm khu đô thị dân cư ảnh hưởng tính mạng và tài sản người dân và sạt lở ảnh hưởng đến công trình hạ tầng quan trọng như đê điều, đường cao tốc, bến cảng, hệ thống cấp điện, di tích lịch sử văn hóa, trương học...”, ông Sơn thông tin thêm.
Văn Huỳnh
(TBKTSG)
- Việt Nam-Italy ký kết hợp tác lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu
- Hà Nội: Duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S3, GS
- Chọn tư vấn lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành
- Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai
- Chính phủ thúc tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
- Hà Nội duyệt chỉ giới đỏ tuyến đường qua huyện Mê Linh và Đông Anh
- Viện Kiến trúc Quốc gia triển lãm và trao giải các đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc công trình, đề tài NCKH tiêu biểu 2014-2018
- Thuê tư vấn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Metro số 5 TP.HCM
- Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội
- Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng): Công bố đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Hùng Thắng đến năm 2035