Sáng 2/6, tại TPHCM, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đã ký hợp đồng với liên danh Nhật - Pháp - Việt Nam (liên danh JFV) để tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành.
Theo kế hoạch của ACV, việc lập báo các nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành sẽ được thực hiện từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019. Sau đó, sẽ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 7 đến tháng 9/2019.
Dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2019, rồi Thủ tướng phê duyệt dự án vào tháng 12/2019.
Theo kế hoạch dự kiến của ACV, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm 2025.
Ông Lê Mạnh Hùng (trái), Tổng giám đốc ACV ký hợp đồng với đại diện liên danh tư vấn JFV (Ảnh: Anh Quân)
Về nguồn vốn xây dựng sân bay, ACV chia làm 2 nguồn. Trong đó, nguồn vốn nhà nước sẽ dùng để giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tại sân bay. Còn nguồn vốn xã hội hóa sẽ dùng để xây dựng các công trình cung cấp dịch vụ thương mại như bảo dưỡng tàu bay, khu chế biến xuất ăn hàng không, khu xăng dầu hàng không.
Để xây dựng dự án, ACV sẽ cân đối nguồn vốn tự có đảm bảo 50% tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đối với các hạng mục chính như đường băng, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, ga hàng hóa, bãi đỗ ô tô, nhà để xe…Phần vốn còn lại ACV huy động từ nguồn vay, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu.
ACV cho rằng để đảm bảo tiến độ khởi công dự án vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025, tổng công ty này đề xuất Chính phủ giao cho mình làm chủ đầu tư các hạng mục chính để sớm thu xếp vốn chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh đó, thành lập hội đồng thẩm định nhà nước, tham gia và cho ý kiến thẩm định dự án ngay trong quá trình triển khai lập FS, bắt đầu từ báo cáo tiến độ lập FS lần 1 ngày 30/8/2018 nhằm rút ngắn thời gian thẩm định.
Ngoài ra, các hạng mục như rà phá bom mìn, dọn dẹp mặt bằng lựa chọn nhà thầu san nền cần làm song song với quá trình Quốc hội và Thủ tướng phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi.
Sân bay quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư một đường băng và 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ đô la Mỹ). Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 dự kiến vào cuối năm 2025. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm một đường băng nữa và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho cả 3 giai đoạn là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ đô la Mỹ, áp dụng đơn giá của năm 2014) |
Lê Anh
(TBKTSG)
- Những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế
- Capital House đoạt giải thưởng Transformational Business Awards 2018
- Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
- Việt Nam-Italy ký kết hợp tác lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu
- Hà Nội: Duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S3, GS
- Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai
- Chính phủ thúc tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
- ĐBSCL đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng trầm trọng
- Hà Nội duyệt chỉ giới đỏ tuyến đường qua huyện Mê Linh và Đông Anh
- Viện Kiến trúc Quốc gia triển lãm và trao giải các đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc công trình, đề tài NCKH tiêu biểu 2014-2018