Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Theo đó, quy hoạch xây dựng tỉnh được loại bỏ.
86,19% đại biểu tham gia biểu quyết tại Hội trường Quốc hội sáng 20/11 đã đồng ý thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Với luật này, quy hoạch xây dựng tỉnh chính thức được bãi bỏ.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu dự án luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - cho biết, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng (Điều 28), có một số ý kiến đề nghị không lập Quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung, mức độ chi tiết của Quy hoạch xây dựng tỉnh trùng với Quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch.
Một số ý kiến khác đề nghị cần có Quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất là quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh và là công cụ quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, cũng có ý kiến đề nghị xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này. Có ý kiến cho rằng, việc bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh đồng nghĩa với việc phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh của Việt Nam được xây dựng từ trước đến nay.
UBTVQH nhận định, do đây là vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, khách quan, việc gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội đã được thực hiện.
Kết quả có 217/469 phiếu (46,26%) đồng ý phương án 1 (Quy hoạch xây dựng tỉnh được lập là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh); 251/469 phiếu (53,51%) đồng ý phương án 2 (Quy hoạch xây dựng tỉnh được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp).
Từ kết quả này, UBVQH tiếp thu, chỉnh lý điều khoản này trong luật theo hướng không tiếp tục lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (Quy hoạch xây dựng tỉnh) mà tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch.
Các loại quy hoạch khác còn lại trong quy hoạch xây dựng (thuộc phụ lục 2 của Luật Quy hoạch) như quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tiếp tục được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo pháp luật về xây dựng vẫn được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, nên nghiên cứu quy định ít nhất là 10 năm, có loại 20 năm, 30 năm.
UBTVQH báo cáo: thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch là 10 năm. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch tỉnh nên thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải phù hợp với thời kỳ của quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch là 10 năm. Do vậy, Ủy ban đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật./.
Trần Ngọc
(VOV)
- Quản lý và phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, nông thôn Bắc Ninh
- Ashui Awards 2018 công bố các đề cử chính thức
- Hà Nội: Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình phố đi bộ Hồ Gươm
- TPHCM tăng tốc xây khu Đông thành đô thị hạt nhân cho 4.0
- Giám đốc WB tại VN: Chúng tôi muốn Sài Gòn là thành phố đáng sống
- Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Các chuyên gia đồng thuận về vị trí ga C9
- BASF xây mới hai phòng học cho Trường mẫu giáo Sông Ray, Đồng Nai
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Kiến trúc
- Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
- Chính phủ "thúc" các Bộ ra cơ chế đặc thù cho Hà Nội