Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kiến trúc. Đa số các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc như tờ trình của Chính phủ.
Tại phiên thảo luận, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc và các nội dung được nêu trong tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Theo đó, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý Nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Theo các đại biểu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật về hành nghề Kiến trúc. Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những bất cập, yếu kém trong hoạt động kiến trúc hiện nay, góp phần định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế thì việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết.
Luật Kiến trúc là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển kiến trúc Việt Nam.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, đây là một dự thảo luật khó, mang tính chuyên ngành sâu, cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý Nhà nước với sự sáng tạo nghệ thuật của hoạt động kiến trúc.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật, như phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc hoạt động kiến trúc; quy chế và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc; chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam; chính sách Nhà nước về kiến trúc; thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; chứng chỉ hành nghề và đạo đức hành nghề kiến trúc sư; việc hành nghề kiến trúc tại Việt Nam của người nước ngoài; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, nông thôn, khu phố cổ; Hội đồng Kiến trúc Quốc gia…
Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng cho biết: Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật và xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật, sau đó gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Quý Anh
(Báo Xây dựng)
- TPHCM tăng tốc xây khu Đông thành đô thị hạt nhân cho 4.0
- Giám đốc WB tại VN: Chúng tôi muốn Sài Gòn là thành phố đáng sống
- Quốc hội quyết định bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh
- Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Các chuyên gia đồng thuận về vị trí ga C9
- BASF xây mới hai phòng học cho Trường mẫu giáo Sông Ray, Đồng Nai
- Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
- Chính phủ "thúc" các Bộ ra cơ chế đặc thù cho Hà Nội
- Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa có quy hoạch chiếu sáng
- Thành lập Trung tâm Sáng kiến Đô thị (UIHub)
- Hội thảo cuối kỳ về “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm”