Cùng với sự phát triển chung của đất nước, tỉnh Quảng Bình nói chung và các vùng đô thị của tỉnh nói riêng đang từng ngày thay da đổi thịt. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng phát triển. Hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn được đầu tư xây dựng, cải tạo. Các công trình, dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và đang từng bước hoàn thiện để đảm bảo một cơ sở vật chất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là cả một quá trình quản lý đầu tư, xây dựng. Do đó, ngay từ bước đầu, công tác quy hoạch đã được chú trọng, Sở Xây dựng Quảng Bình đã phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc lập quy hoạch, lập dự án, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh như: Tập trung xây dựng thị trấn Kiến Giang, thị trấn Hoàn Lão mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV; cơ bản hoàn thành rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Quy Đạt và vùng phụ cận đến năm 2030; quy hoạch chi tiết điều chỉnh Khu trung tâm hành chính tỉnh; điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành nâng cấp QL1A, xây dựng cầu Nhật Lệ II, đường Trần Hưng Đạo kéo dài, đường 60m xã Bảo Ninh, đường Thống Nhất, dự án khu nhà ở phía Bắc đường Lê Lợi, khu nhà ở phía Bắc đường Trần Hưng Đạo, dự án khu nhà ở thương mại tại P.Đức Ninh Đông, khu đô thị tại P.Phú Hải. Ngoài ra, hiện nay Sở Xây dựng cũng thực hiện tham mưu UBND tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện thêm nhiều dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn toàn tỉnh theo hình thức xã hội hóa, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Báo cáo UBND tỉnh, xin chủ trương lập Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Đồng Hới.
Xác định quản lý xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị là một vấn đề hết sức phức tạp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và của các cấp quản lý chính quyền, phụ thuộc vào ý thức của những người xây dựng, vận hành và sử dụng. Quản lý xây dựng đồng bộ được xem như là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó cũng là một khâu không thể thiếu trong việc nâng cao hiệu quả và giám sát đầu tư dự án và trong phạm vi nào đó, việc đó còn cần thiết hơn cả việc huy động, tìm kiếm nguồn vốn. Để giúp UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện tốt chức năng này, Sở Xây dựng nghiên cứu tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản để phân công, phân cấp quản lý như: Phân công, phân cấp quản lý cây xanh; phân công, phân cấp quản lý đường đô thị; quy chế quản lý hoạt động thoát nước, quy chế quản lý chất thải rắn; lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị để tổ chức quản lý. Đồng thời thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, phối hợp với UBND TP Đồng Hới tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị, cây xanh, điện chiếu sáng.
Mặt khác, Sở Xây dựng cũng tích cực phối hợp chặt chẽ và kịp thời với các sở, ngành để hoàn thành các nhiệm vụ chung của tỉnh, triển khai thực hiện tốt các dự án lớn như: Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường TP Đồng Hới; dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Đồng Hới; dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị trấn Ba Đồn; các dự án hạ tầng kỹ thuật xây dựng huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch. Trong số các dự án trọng điểm, nổi bật là Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường TP Đồng Hới. Đây cũng là một trong những công trình góp phần quan trọng trong việc nâng cấp TP Đồng Hới và được công nhận là đô thị loại II.
Nhìn chung, năm 2018, Sở Xây dựng Quảng Bình đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu đạt được cụ thể như sau: Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 30%, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch và hợp vệ sinh là 97,2%, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại đô thị khoảng 92%. Các năm tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ tiếp tục có sự đổi mới tích cực, góp phần đáp ứng yêu cầu đặt ra của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhất Linh
(Báo Xây dựng)
- Đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ có 17 đô thị các loại
- Nước sinh hoạt nhiễm mặn, thành phố Đà Nẵng vất vả ứng phó
- TP.HCM đề xuất chuyển cầu tàu Ba Son thành bến du thuyền
- Dự kiến khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ tháng 4/2019
- Sẽ vận hành thử metro Bến Thành - Suối Tiên trước tháng 10/2020
- Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa
- VGBC: Tổng kết thị trường Công trình xanh Việt Nam 2018 với LEED và LOTUS
- Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn khai thác từ ngày 1/2/2019
- Ý kiến của Bộ Xây dựng về việc chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh
- Xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh