Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tin tức Việt Nam VGBC: Tổng kết thị trường Công trình xanh Việt Nam 2018 với LEED và LOTUS

VGBC: Tổng kết thị trường Công trình xanh Việt Nam 2018 với LEED và LOTUS

Viết email In

Nhìn lại năm 2018, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) đã tổng hợp các số liệu về tình hình công trình xanh tại Việt Nam qua 2 chứng nhận LEED và LOTUS, qua đó xem xét phần nào trạng thái phong trào công trình xanh ở nước ta.  

Các số liệu chính năm 2018:

  • LEED: 40 dự án mới đăng ký (tổng GFA hơn 242.000 m2), 13 dự án được cấp Chứng nhận Chính thức (tổng GFA hơn 120.000 m2)
  • LOTUS: 13 dự án mới đăng ký (tổng GFA hơn 120.000 m2), 7 dự án được cấp Chứng nhận Chính thức (tổng GFA hơn 30.000 m2)

Tính đến cuối 2018:

  • LEED: 174 dự án đăng ký, trong đó 53 dự án đã đạt Chứng nhận (quy mô trung bình 14.200 m2/dự án)
  • LOTUS: 51 dự án đăng ký, trong đó 21 dự án đã đạt Chứng nhận (quy mô trung bình 13.000 m2/dự án)

Số dự án đăng ký đạt đỉnh (54 dự án) năm 2016 khi các dự án chạy đua đăng ký theo LEED v3 trước khi chuyển sang LEED v4. Số dự án mới sụt giảm khá mạnh trong năm đầu tiên theo LEED v4 nhưng đã phục hồi trở lại trong 2018, chứng tỏ thị trường đã làm quen được các yêu cầu của LEED phiên bản mới. Tuy nhiên tổng GFA của các dự án đăng ký mới trong hai năm trở lại đây ở mức rất thấp so với giai đoạn 2015-2016, cho thấy khá nhiều dự án mới gần đây thuộc nhóm có quy mô nhỏ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2018 quy mô trung bình của một dự án đăng ký mới là 4.932 m2, so với trung bình 17.700 m2/dự án giai đoạn 2015-2016.

Có thể thấy giai đoạn 2015-2018 đã tạo một mặt bằng mới cho LEED tại Việt Nam (không năm nào dưới 20 dự án), trong khi 8 năm trước đó đều ít hơn 10 dự án/năm. Ngoài ra trong giai đoạn 2015-2018, vẫn có khoảng 40-50% số dự án LEED mới thuộc phân khúc nhà máy – công trình công nghiệp, là nhóm mà yêu cầu làm LEED thường khá ổn định. Do đó, dự báo trong 1-2 năm tới số dự án mới đăng ký LEED tại Việt Nam sẽ dao động trong ngưỡng 40-50 dự án, tổng GFA đăng ký mới khoảng 300.000 m2.

Tương tự LEED, LOTUS cũng được kỳ vọng đã tạo được mặt bằng mới trong 2 năm trở lại đây (31 dự án mới trong 2 năm), trong khi 7 năm trước đó chỉ có 20 dự án đăng ký.

Mặc dù LOTUS có sự tăng trưởng mạnh về số lượng dự án, nhưng tổng GFA đăng ký mới thì tăng chậm hơn, cho thấy khá nhiều dự án mới thuộc nhóm có quy mô nhỏ.

Mặc dù đều có sự tăng trưởng tốt trong 3-4 năm trở lại đây, động lực tăng trưởng của LEED và LOTUS có thể không hoàn toàn giống nhau. Trong tổng số 135 dự án LEED đăng ký mới tại Việt Nam giai đoạn 2015-2018, riêng 2 phân khúc công nghiệp và văn phòng đã chiếm 75% số lương dự án và 80% tổng diện tích sàn. LEED là một thương hiệu toàn cầu, thường được lựa chọn bởi các dự án văn phòng cao cấp hoặc nhà máy có yêu cầu cao bởi các đối tác Âu – Mỹ.

Đối với LOTUS, có sự phân bổ cân bằng hơn giữa các phân khúc (giáo dục, văn phòng, công nghiệp, chung cư…). Các dự án lựa chọn LOTUS thường hướng tới sự cân bằng giữa chi phí và các lợi ích thực tế từ công trình xanh, đồng thời đáp ứng trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức.

Qua số liệu của LEED và LOTUS, có thể thấy trong 3 năm trở lại đây công trình xanh đã lan tỏa rộng hơn trong ngành xây dựng Việt Nam. Khi số lượng công trình đủ lớn và ngày càng nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm thực tế về công trình xanh, phong trào công trình xanh tại Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc hơn và sớm xuất hiện một thị trường công trình xanh thực sự, xuất phát từ cung-cầu nội tại chứ không chỉ phụ thuộc vào yêu cầu của các đối tác nước ngoài.

(Nguồn số liệu: VGBC & USGBC)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo