Ashui.com

Sunday
Dec 01st
Home Tin tức Việt Nam Phục hồi hoàn chỉnh một di tích đặc sắc tại Đại Nội Huế

Phục hồi hoàn chỉnh một di tích đặc sắc tại Đại Nội Huế

Viết email In

Ngày 7/1, tại Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn di sản văn hóa phi lợi nhuận, Fulda, Đức (GEKE) tổ chức lễ bàn giao cổng, bình phong, non bộ tại điện Phụng Tiên và kết thúc dự án hợp tác Bảo tồn và phục hồi cổng, bình phong và non bộ kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Đại sứ nước CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger.


Lễ bàn giao cổng, bình phong, non bộ tại điện Phụng Tiên
(Ảnh: VGP/Thế Phong)

Điện Phụng Tiên là một trong 5 miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Điện Phụng Tiên là nơi thờ tự các vua và hoàng hậu của triều Nguyễn (từ Vua Gia Long đến Vua Khải Định), là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hàng ngày.

Điện gồm có 5 công trình chính là chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện. Lối vào Điện nổi bật với hệ thống kiến trúc tinh xảo như cổng, bình phong, bể cạn-non bộ… Trong thời kỳ chiến tranh, vào năm 1947, công trình này đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong, non bộ - bể cạn, 5 cổng nhỏ phía bắc và bình phong phía sau của Điện nhưng trong tình trạng hư hại nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có.


(Ảnh: VGP/Thế Phong)

Dự án hợp tác bảo tồn và phục hồi cổng, bình phong và non bộ kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng kinh phí thực hiện dự án gần 4,3 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 29/9/2017.

Dưới sự quản lý, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của bà Andrea Teufel - chuyên gia bảo tồn GEKE, các công trình cổng, bình phong đã được bảo tồn và phục hồi hoàn chỉnh với những hoa văn, họa tiết tinh tế bằng “kỹ thuật fresco” (kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt), vữa màu và các kỹ thuật secco đã được sử dụng trong các công trình, kiến trúc triều Nguyễn. Đồng thời dự án cũng phục hồi, tôn tạo non bộ - bể cạn tại điện Phụng Tiên do các kĩ sư, kiến trúc sư, thợ nề ngõa, nghệ nhân của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phụ trách. Công trình sắp đặt phong thủy có thiết kế đặc sắc này đã được phục hồi, tôn tạo hoàn chỉnh, bảo đảm tính nguyên gốc và sử dụng các phương pháp chống thấm an toàn.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger cho biết ông rất hài lòng về thành công của dự án. Dự án thành công không những góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh trong Quần thể Di tích Cô đô Huế, tạo ra một điểm nhấn mới thu hút khách tham quan mà còn đào tạo một đội ngũ kế cận am hiểu kỹ thuật bảo tồn, phục hồi truyền thống - kỹ thuật fresco; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn di sản. Đây là cơ sở để Đại sứ kiến nghị Bộ Ngoại giao CHLB Đức tiếp tục tài trợ cho Huế những dự án tiếp theo.

Thế Phong

(Chinhphu.VN)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...