Ngay sau khi thống nhất đất nước và chọn Huế là kinh đô, vua Gia Long đã đích thân cùng các đại thần đi khảo sát và tổ chức quy hoạch để cắm mốc, xây dựng Kinh thành theo hướng mở rộng Đô thành (vốn được xây dựng từ thời chúa Nguyễn) ra bốn phía.
Bên trong Kinh thành, ngoài khu Hoàng thành - Tử cấm thành nằm ở vị trí trung tâm trên trục Dũng đạo là các công bộ, nha sở và các thiết chế của triều đình. Các khu vực dân cư bên trong Kinh thành bắt đầu từ dinh thự của các quan lại, phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, các quan xưởng của triều đình, nhà ở của binh lính, thợ thuyền, về sau mới phát triển ra.
Một góc Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế)
Cho đến năm 1909, thời vua Duy Tân, khu vực bên trong Kinh thành được phân bổ thành 10 phường, tuy nhiên dân cư chưa đông đúc.
Thời vua Khải Định (1916 - 1925) trở đi, tình hình dân cư bên trong thành nội mới phát triển nhanh; triều đình thậm chí còn cấp đất cho một số gia đình thuộc tôn thất ở bên trong các Eo bầu (trong lòng các pháo đài bảo vệ Kinh thành). Tuy nhiên, phải sau khi triều Nguyễn cáo chung, đặc biệt là thời gian xảy ra hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975), dân cư bên trong Kinh thành, đặc biệt là các vùng trước đây được triều Nguyễn quản lý rất chặt chẽ như Eo bầu, Thượng thành, các tuyến phòng lộ, hào hộ thành, thành giai… mới có sự gia tăng ồ ạt về số lượng. Sau các sự kiện Mậu Thân 1968, cuộc tấn công chiến lược năm 1972, đã có một số lượng lớn dân cư từ Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên - Huế tràn lên chiếm dụng và cư trú trên mặt thành (Thượng thành), trong các Eo bầu và dọc tuyến phòng lộ, hào hộ thành…
Trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ sẽ hỗ trợ Thừa Thiên - Huế thực hiện di dời 2.938 hộ dân sống tại khu vực Thượng thành, Eo bầu, hệ thống tuyến phòng lộ bao quanh... Tổng kinh phí thực hiện là 1.880 tỷ đồng (kết luận mới nhất của Thủ tướng, ngày 16/11/2018) |
Sau năm 1975, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực để di dời hơn 1.000 hộ dân ra khỏi vùng lõi di tích Kinh thành (chủ yếu là ở phòng lộ phía đông, khu vực công viên Nguyễn Văn Trỗi, khu vực đàn Xã Tắc, Ngự hà…) cùng các cơ sở sản xuất lớn, các nhà máy, xí nghiệp… nhưng cho đến nay còn khoảng 15.000 người sinh sống trong khu vực 1 di tích Kinh thành, bao gồm cả Thượng thành, Eo bầu, phòng lộ, hào hộ thành và một số di tích quan trọng của triều đình bên trong Kinh thành như đàn Xã Tắc, Khâm Thiên giám, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Lục bộ đường, Quốc Tử Giám…
Việc một số lượng lớn dân cư sống trong vùng lõi di tích Kinh thành Huế đã gây nên rất nhiều vấn đề, cả về quản lý đô thị và bảo tồn di sản văn hóa. Trước hết, đối với người dân sống trong khu vực này, do sống trong khu vực 1 di tích đã được công nhận nên họ không được quyền xây dựng nhà cửa và các công trình. Đại đa số dân cư trong khu vực này đều là những hộ dân nghèo khổ, nghề nghiệp không ổn định, cuộc sống hết sức khó khăn.
Qua điều tra của cơ quan chức năng, hầu hết người dân đều mong muốn được chuyển đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn, nhất là để các thế hệ tương lai có điều kiện phát triển. Về mặt đô thị, hàng ngàn hộ dân sống trong vùng lõi Kinh thành này đã khiến diện mạo đô thị trở nên nhếch nhác, nhiều khu vực như hào hộ thành, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải… ô nhiễm nghiêm trọng và gần như không thể giải quyết được.
Mặt khác, tình trạng một số lượng lớn dân cư sống ngay trong và trên di tích đã tác động rất lớn đến di tích Kinh thành và những công trình liên quan. Cho đến nay dù nỗ lực hết sức nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế mới trùng tu chỉnh trang được một phần phía Nam Kinh thành, sau khi di dời được hơn 150 hộ dân sống trong khu vực này.
Xây dựng đề án di dời dân cư ở khu vực lõi Kinh thành, Thừa Thiên - Huế nhắm đến các mục tiêu: đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho khoảng 15.000 dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích; tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam; và tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn phục vụ du khách, tăng thêm các nguồn thu từ bán vé và dịch vụ du lịch, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế và vùng miền Trung.
Như vậy, trong các mục tiêu của đề án thì mục tiêu an dân và bảo vệ di sản được đặt lên hàng đầu. Điều đó cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cố đô Huế trong giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.
Họa đồ Việt hóa Kinh thành Huế (với hướng Bắc nằm bên trên) trong Đại Nam nhất thống chí
Cố đô Huế là địa phương duy nhất của Việt Nam có đến năm di sản thuộc về một triều đại được UNESCO vinh danh, bao gồm cả di sản vật thể (quần thể kiến trúc cung đình), di sản phi vật thể (nhã nhạc), và di sản ký ức (mộc bản, châu bản và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế). Di sản văn hóa thực sự đã trở thành nguồn lực chính cho sự phát triển và làm thay đổi cả cơ cấu nền kinh tế. Trong vài năm trở lại đây, tổng thu từ ngành kinh tế dịch vụ (dựa chính trên nền tảng khai thác du lịch di sản) đã chiếm phân nửa GDP của Thừa Thiên - Huế.
Tuy nhiên, những tồn tại và trở lực lớn nhất của sự phát triển cũng bắt nguồn từ di sản quá khứ, trong đó có vấn đề dân cư sống trong vùng lõi của khu di sản mà trọng điểm là khu vực Kinh thành Huế. Nhận thức sâu sắc về điều này, cố đô Huế đã và đang nỗ lực giải quyết mâu thuẫn trên bằng đề án di dời, giải tỏa dân cư ra khỏi vùng lõi di tích Kinh thành, với mục tiêu không chỉ để an dân, bảo tồn di sản mà còn nhằm chỉnh trang đô thị, tạo sản phẩm mới, sức bật mới cho ngành du lịch, dịch vụ.
Tin vui là mới đây nhất, ngày 16/11, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 431/TB-VPCP truyền đạt Thông báo kết luận của Thủ tướng với nội dung tán thành và ủng hộ cao Đề án di dời giải tỏa dân cư trong khu vực 1 Kinh thành Huế. Trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ sẽ hỗ trợ Thừa Thiên - Huế thực hiện di dời 2.938 hộ dân sống tại khu vực Thượng thành, Eo bầu, hệ thống tuyến phòng lộ bao quanh, hệ thống hộ thành hào tiếp giáp tuyến phòng lộ bao quanh tường thành; tổng kinh phí thực hiện là 1.880 tỷ đồng. Chính phủ cũng ủng hộ tỉnh, để áp dụng một số cơ chế đặc thù nhằm thực hiện thành công đề án trên.
Như vậy, cố đô Huế đã được trao các điều kiện cần để có thể giải được bài toán khó vốn đã tồn tại từ lâu; điều kiện đủ là sự ủng hộ và đồng thuận của cộng đồng nhân dân, nhất là bộ phận dân cư đang sinh sống trong khu vực 1 di tích Kinh thành, cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp.
Hy vọng, cố đô Huế sẽ thực hiện thành công đề án này như đã từng giải quyết thành công đề án di dời gần 1.000 hộ dân cư vạn đò, để giải phóng dòng sông Hương và các chi lưu trước đây.
Kinh thành, còn gọi Kinh Sư thành, là vòng thành ngoài cùng của ba lớp thành: Kinh thành, Hoàng thành, và Tử cấm thành. Kinh thành Huế có mặt bằng gần hình vuông (ba mặt thẳng, mặt trước uốn hơi cong theo dòng sông Hương). Tường Kinh thành có chu vi hơn 10km, dày 21m, cao hơn 6m, bao bọc lấy một khu vực rộng hơn 10.400 mẫu đất (520 ha). Quá trình xây dựng Kinh thành kéo dài hơn 30 năm (1803 - 1837), qua hai triều vua Gia Long (1802 - 1820) và Minh Mạng (1820 - 1840). Gắn liền với Kinh thành là cả một hệ thống thiết chế và hạ tầng liên qua như: sông hộ thành, hào hộ thành, thành giai, phòng lộ, hệ thống cầu bắc qua hào hộ thành, hệ thống 10 cổng thành... |
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế
(Người Đô thị)
- Thiết kế đô thị tại 3 tuyến đường ở TP Huế: Tổ chức lại không gian kiến trúc ở các trục đường
- Thành phố Hồ Chí Minh gỡ bỏ ''chiếc áo'' đô thị chật hẹp
- Thủ Thiêm và 3 lần quy hoạch dang dở
- Quy hoạch công viên cây xanh cho TP Hồ Chí Minh – giải pháp nào?
- Đô thị vệ tinh - Điểm nhấn trong mục tiêu phát triển tại Hà Nội
- Xanh hóa đô thị cần gắn với quy hoạch hạ tầng
- Xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
- Kiến trúc đô thị Việt Nam: Những bài học đắt giá
- TPHCM cần... 1.000 năm mới hoàn thành quy hoạch công viên cây xanh (!)
- Đường sắt đô thị – Góc nhìn từ lịch sử quy hoạch Hà Nội