Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng thời giữ chức Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 708/QĐ-BKHĐT ngày 11/5/2020.
Cuộc họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là buổi họp thẩm định quy hoạch tỉnh đầu tiên trong cả nước với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lập quy hoạch thời kỳ này tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.
"Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, nhất là phải đòi hỏi tính linh hoạt, chặt chẽ cao. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch cả nước, cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhưng các quy hoạch này lại chưa được làm, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép làm đồng thời các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy trình thực hiện theo phương pháp "đúng dần"; đồng thời, khi quy hoạch cấp dưới khi có mâu thuẫn, xung đột với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt. Thời kỳ quy hoạch thống nhất với tất cả các địa phương là 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, trong giai đoạn 2016-2020, Bắc Giang đã có bước phát triển rất vượt bậc, GRDP bình quân cả giai đoạn đạt khoảng 14%, thuộc nhóm đầu cả nước. Năm 2020, mặc dù có dịch Covid-19, nhiều tỉnh tăng trưởng âm nhưng Bắc Giang đạt tăng trưởng ấn tượng 13,6%.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, tỉnh Bắc Giang đã tập trung cao triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Bắc Giang tiếp tục mong muốn đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian tới, với nhiều sự đổi mới đầy khát vọng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua. Vì thế mà bản quy hoạch làm sao thể hiện được mục tiêu đó", ông Dương Văn Thái cho biết.
Với quan điểm đó, cùng với tiềm năng lợi thế, cơ hội, thách thức, quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Đánh giá về quy hoạch của tỉnh đầu tiên được thẩm định theo Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là phải thẩm định đầy đủ về trình tự, thủ tục và nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, cụ thể là: sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch; việc tích hợp các nội dung đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh do các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân công thực hiện; về sự phù hợp với nội dung quy hoạch tỉnh quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Cùng với đó, việc phân vùng phát triển của tỉnh và cân đối phát triển giữa các ngành, lĩnh vực và bố trí không gian phát triển trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả và khả thi; đồng thời, phương pháp lập quy hoạch, đặc biệt là phương pháp tích hợp để lập các nội dung của quy hoạch và việc thu thập dữ liệu, phương pháp chồng lớp bản đồ với các mức độ chi tiết khác nhau…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Bắc Giang hy vọng với công tác thẩm định kỹ lưỡng, quy hoạch này trở thành bản mẫu để các địa phương khác trong cả nước có thể xây dựng quy hoạch tỉnh đạt chất lượng cao nhất, đảm bảo tiến độ nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
(VnEconomy)
- Thừa Thiên – Huế: Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại Khu chung cư Đống Đa như thế nào?
- Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ ngày 1/7
- Hà Nội: Đề xuất chi 26.000 tỷ đồng xây hai cầu qua sông Hồng
- Hội thảo "Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới"
- TP.HCM đề xuất Thủ tướng chủ trương xây dựng Đề án trung tâm tài chính quốc tế
- Hà Nội: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
- Tìm giải pháp nâng tỷ lệ cây xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Đề xuất xây đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh trong 10 năm
- TPHCM lên kế hoạch chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố
- Hơn 10 năm chưa di dời được các cảng trên sông Sài Gòn