TP.HCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế-tài chính-dịch vụ hàng đầu trong nước và khu vực, do đó việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Theo UBND TP, việc đề xuất này vì TP hội đủ các yếu tố để hình thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước
Trước hết, TP.HCM là đầu tàu kinh tế năng động nhất cả nước, thị trường tài chính đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư; mật độ tập trung của các định chế tài chính tại TP hiện vào loại cao nhất so với cả nước…
Ngoài ra, TP.HCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…và xa hơn nữa là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
“Đó là những điều kiện tốt nhất để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai”, văn bản có nêu.
Cũng theo UBND TP.HCM, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập. Trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới.
Mặt khác, đề xuất xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM đều đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, theo đó xác định TP.HCM như một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế-tài chính-dịch vụ hàng đầu trong nước và khu vực.
Trên cơ sở đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để TP xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Theo UBND TP, nếu được Thủ tướng phê duyệt, định hướng mục tiêu phát triển trung tâm tài chính trong ngắn hạn sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia, với các hoạt động đa dạng và tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn mực quốc tế.
Trong trung hạn, định hướng phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn.
Trong dài hạn, kỳ vọng với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác, TP.HCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung-cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh; thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu.
Hồ Văn
(VietNamNet)
- 26 tỷ đồng cải tạo Bến Bạch Đằng
- Thừa Thiên – Huế: Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại Khu chung cư Đống Đa như thế nào?
- Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ ngày 1/7
- Hà Nội: Đề xuất chi 26.000 tỷ đồng xây hai cầu qua sông Hồng
- Hội thảo "Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới"
- Quy hoạch tỉnh đầu tiên được thẩm định theo Luật
- Hà Nội: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
- Tìm giải pháp nâng tỷ lệ cây xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Đề xuất xây đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh trong 10 năm
- TPHCM lên kế hoạch chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố