Chủ tịch Coteccons cho biết trong 5 năm tới sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động trở thành tập đoàn đa ngành với lĩnh vực cốt lõi vẫn là xây dựng.
Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Coteccons sáng 26/4 mở đầu với phần chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov về quá trình tái cấu trúc, tầm nhìn mới của doanh nghiệp thay vì chỉ lặp lại các nội dung trong văn bản báo cáo, tờ trình như ở nhiều đại hội của các doanh nghiệp. Đây là năm đầu tiên Coteccons không còn sự hiện diện của nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương.
Lấy ví dụ về những tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới đều đi theo mô hình đa ngành như Hyundai, Bouygues, ông Duisenov khẳng định đây là con đường của Coteccons vì công ty không thể chỉ mãi tập trung vào một phân khúc xây dựng dân dụng, phụ thuộc vào thị trường bất động sản.
Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov phát biểu tại đại hội thường niên sáng 26/4. (Ảnh: CTD)
Chủ tịch Coteccons cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất 5 năm tới là chuyển đổi mô hình hoạt động để trở thành tập đoàn đa ngành với lĩnh vực cốt lõi vẫn là xây dựng cùng các mảng kinh doanh khác như tổng thầu EPC, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, cầu cảng. “Tham vọng của Coteccons là đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025”, ông Bolat Duisenov tự tin chia sẻ.
Tham vọng xây metro, cao tốc
Khác với những năm trước khi chủ tịch và tổng giám đốc là hai người trình bày chính về hoạt động của Coteccons, ông Bolat Duisenov chỉ nói về tầm nhìn chung của công ty và để từng phó tổng giám đốc lần lượt chia sẻ về chiến lược trong các mảng kinh doanh.
Trong đó, Phó tổng giám đốc Phan Hữu Duy Quốc là người có phần chia sẻ dài nhất về chiến lược mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Quốc trước đó là Phó đại diện của Shimizu Việt Nam và là một trong những nhân sự chủ chốt tham gia xây dựng tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM.
Theo ông Quốc, sự cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng dân dụng ngày càng khốc liệt và biên lợi nhuận của các công ty chỉ còn 3-5%. Trong khi đó, nhiều khách hàng của công ty ngày càng đa dạng hóa hoạt động. Điển hình là Sungroup làm chủ đầu tư sân bay Vân Đồn hay Vingroup đầu tư đường Vành đai 2 tại Hà Nội.
Nếu vẫn chỉ tập trung vào xây dựng cao ốc căn hộ, văn phòng, Coteccons sẽ bỏ lỡ cơ hội, không theo kịp chuyển động của các chủ đầu tư. “Tiềm năng của mảng cơ sở hạ tầng còn rất lớn. Tôi là người tham gia làm metro số 1 và hy vọng tương lai, Coteccons sẽ có thể có các tuyến metro khác”, ông Quốc nói.
Ông Quốc nhấn mạnh hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn trên Việt Nam như các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM, cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành và nhiều cảng hàng không khác sẽ được xây dựng trong những năm tới. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió cũng rất tiềm năng. Lãnh đạo Coteccons khẳng định công ty sẽ không đứng ngoài các cuộc chơi này.
Tuy nhiên, ông Quốc thừa nhận dù có vị thế hàng đầu về xây dựng dân dụng, Coteccons sẽ không dễ dàng để tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn khi là “lính mới” trong mảng này. Công ty sẵn sàng bắt đầu từ vị trí nhà thầu phụ, liên doanh, cũng như nghiên cứu mua bán sáp nhập (M&A) một số doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phó tổng giám đốc Coteccons Phan Hữu Duy Quốc sẽ dẫn dắt việc phát triển mảng xây dựng cơ sở hạ tầng. (Ảnh: CTD)
HĐQT công ty kỳ vọng có những hợp đồng đầu tiên trong mảng này trong năm 2021. Tuy nhiên, ông Quốc nhấn mạnh chưa thể đặt mục tiêu cao về doanh thu từ cơ sở hạ tầng ngay và xây dựng dân dụng vẫn là nguồn thu cốt lõi của Coteccons trong 2-3 năm tới.
"Khách hàng chuyển nhà thầu chỉ là nhất thời"
Dù ban lãnh đạo Coteccons khẳng định doanh nghiệp đang đi đúng hướng trong quá trình tái cấu trúc, cổ đông vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn khi ban lãnh đạo cũ rời đi thể hiện qua các câu hỏi về tình trạng chảy máu chất xám, việc một số công trình thay đổi nhà thầu từ Coteccons sang công ty xây dựng khác.
Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov nhấn mạnh từ "minh bạch" nhiều lần trong phần trả lời của mình. Theo ông, khách hàng luôn đúng và công ty tôn trọng quyết định của họ. Nhiệm vụ của ban lãnh đạo là quản trị doanh nghiệp minh bạch, giữ uy tín với khách hàng trên thị trường bằng chất lượng.
“Một vài khách hàng có thể lo ngại về năng lực của chúng tôi khi có sự chuyển giao ban lãnh đạo. Và chúng tôi đang làm những gì tốt nhất để chứng minh năng lực, tiếp tục thi công đúng chất lượng, tiến độ tại từng dự án. Việc khách hàng chuyển sang nhà thầu khác chỉ là nhất thời”, ông Duisenov nói với cổ đông.
Vị chủ tịch người Kazakhstan khẳng định HĐQT và ban điều hành mới có đủ kinh nghiệm, năng lực để dẫn dắt công ty chinh phục các mục tiêu mới. Ông Duisenov còn cho hay nhiều chuyên gia nước ngoài đang hỗ trợ công ty từ xa vì dịch Covid-19 và sẽ trực tiếp làm việc khi việc di chuyển giữa các quốc gia được cho phép.
Chia sẻ thêm về tình hình nhân sự, Phó tổng giám đốc Phạm Quân Lực cho rằng trong một công ty đang tái cơ cấu như Coteccons, việc có những người không phù hợp ra đi là việc đương nhiên. Nhưng ông Lực nhấn mạnh “đất lành thì chim đậu” nên công ty cũng đã thu hút nhiều nhân tài mới và bộ máy nhân sự hiện tại sau khi kiện toàn bộ đủ sức vận hành 50-60 dự án cùng lúc.
Một cổ đông còn đặt câu hỏi sau khi Coteccons thay đổi lãnh đạo, xuất hiện thông tin Ricons chứ không phải Coteccons mới là đơn vị xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81.
Chính công ty này là lý do tạo ra mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn với ban lãnh đạo cũ vì sự xung đột lợi ích trong việc phân chia hợp đồng, khách hàng giữa Coteccons và Ricons. Trong khi đó, Landmark 81 luôn được xem là niềm tự hào của Coteccons vì đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay do một doanh nghiệp Việt Nam xây dựng.
Ông Michael Trần từng làm Phó tổng giám đốc Hòa Bình trước khi tham gia ban điều hành Coteccons. (Ảnh: CTD)
Trước nghi vấn này, Phó tổng giám đốc Coteccons Michael Trần cho hay: “Cách đây 6 tháng, tôi rời Hòa Bình. Tôi là người xây dựng Saigon Center ở Hòa Bình. Nhưng nếu vì vậy mà khi tôi vào Coteccons tôi lại đi nói dự án đó của Coteccons thì không công bằng. Chủ đầu tư Landmark 81 chỉ ký hợp đồng với Coteccons. Đây là đóng góp của tập thể anh em Coteccons”.
Năm nay, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu tăng 20% lên 17.413 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến chỉ tăng 2% lên 340 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cập nhật trong quý I, doanh thu đạt 2.568 tỷ và lợi nhuận là 55 tỷ đồng, tương đương 15-16% kế hoạch năm.
Chia sẻ với Zing bên lề đại hội, ông Michael Trần cho rằng kết quả kinh doanh quý I mọi năm của công ty thường ở mức khiêm tốn nhưng sẽ tăng dần trong các quý sau. Công ty đang có nhiều hợp đồng mới nhưng chưa thể công bố hết vì còn đang hoàn thiện các bước thủ tục.
Việt Đức
(Zing.vn)
- Huế: Dự án cải tạo cảnh quan hai bờ sông Hương sắp hoàn thành
- Tập đoàn của Mỹ sẽ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa
- TP HCM kiến nghị làm nhanh 3 dự án giao thông liên vùng
- Bộ Xây dựng và KOICA ký Biên bản về dự án thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị
- Năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông
- TP HCM vào top chi phí sinh hoạt rẻ nhất Đông Nam Á
- Nhà máy 800 triệu USD có cứu được những dòng sông của Hà Nội?
- Trình UNESCO công nhận Quần thể Yên Tử là di sản thế giới
- Phát huy giá trị văn hóa và lịch sử kinh thành Việt Nam
- Thành phố Huế sẽ được mở rộng gấp 4 lần