Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện khẳng định đến thời điểm này, quận và thành phố chưa có văn bản nào trình Chính phủ về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Thế giới đối với khu phố cổ Hà Nội.
Vì vậy, "thông tin về việc Khu phố cổ Hà Nội không được công nhận di sản thế giới là không chính xác."
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ngày 18/4, trước thông tin "phố cổ Hà Nội không được công nhận Di sản Thế giới”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết khu phố cổ thường được gọi là khu 36 phố phường của Hà Nội xưa, chủ yếu nằm tại địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là một di sản của Thủ đô, một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị.
Phố Đinh Liệt nhìn từ trên cao (Ảnh: Hồng Vĩnh / Tiền Phong)
Giáo sư-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng không nên quá coi trọng việc phố cổ Hà Nội có được công nhận là Di sản Thế giới hay không mà quan trọng hơn là việc chính người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung có coi trọng và đánh giá được hết giá trị của phố cổ Hà Nội hay không.
Theo ông, không nên biến phố cổ Hà Nội thành một di tích đông cứng và cũng không nên bảo tồn phố cổ theo cách này, bởi phố cổ đã, đang và sẽ luôn là một “thực thể” sống, với sự “phình” ra hàng ngày của cư dân phố cổ. Và thật sự, nếu phố cổ không còn sự nhộn nhịp, chật hẹp, thậm chí là “nghẹt thở” như hiện nay, chưa chắc nó đã có nét duyên riêng khiến du khách trong và ngoài nước tìm đến.
“Phố cổ là một phần cấu thành của đô thị và cư dân chính là cái hồn của phố cổ. Vì vậy, hãy đừng biến phố cổ thành di sản 'chết.' Hãy để cho phố cổ sống cuộc sống của nó,” giáo sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.
Ngày 5/4/2004, khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận Di tích lịch sử Quốc gia.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ Hà Nội triển khai hợp tác với nhiều tổ chức, thành phố trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể, để phố cổ Hà Nội xứng tầm là di tích lịch sử Quốc gia.
Trên cơ sở đó, thành phố tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đình, đền chùa, nhà cổ nhưng vẫn giữ nguyên bản giá trị của di tích; đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di sản phi vật thể, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống.
Thành phố cũng xây dựng và triển khai đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”, cải tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong khu phố cổ.
Khu phố cổ thuộc địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm là Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Ðông, Lý Thái Tổ, Ðồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Ðào. Diện tích rộng khoảng 100ha, ranh giới phía Bắc là phố Hàng Ðậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng./.
(Theo Tin tức/Vietnam+)
- 6.000 tỷ đồng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước
- Điều chỉnh Quy hoạch Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam
- Xã hội hóa tuyến cao tốc vành đai Hà Nội
- Đà Nẵng sẽ phát triển thành phố kinh tế, sinh thái
- Định hướng phát triển Hà Nội trong tương lai
- Khởi động xây dựng thành phố mới Bình Dương
- Sập nhịp dẫn cầu cạn Pháp Vân
- Hà Nội: Khởi công xây dựng đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu
- Ngày 24/4/2010 khánh thành cầu Cần Thơ
- Sẽ quy hoạch lại TP Đà lạt