Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Quốc hội thảo luận quy hoạch Hà Nội: Hai vấn đề lớn gây tranh luận

Quốc hội thảo luận quy hoạch Hà Nội: Hai vấn đề lớn gây tranh luận

Viết email In
Sáng 15.6, Quốc hội thảo luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là trung tâm hành chính quốc gia và trục Thăng Long... 

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có phần trình bày, lý giải trước QH: Toàn bộ thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước. Do vậy không có khái niệm trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong thủ đô và càng không thể có chuyện “dời đô” như một số băn khoăn. Chắc chắn và mãi mãi Ba Đình sẽ là trung tâm chính trị của đất nước.

Một số bộ, ngành đang xây trụ sở tại Mễ Trì - Mỹ Đình và Chính phủ chỉ đạo tiếp tục quy hoạch chọn địa điểm để đưa một số bộ, ngành nữa ra ngoài khu vực nội đô. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân lý giải, Ba Vì trong ý tưởng quy hoạch lần này chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050. Trụ sở các bộ, ngành ở Mỹ Đình không nhất thiết sau này cũng phải chuyển đi nếu không có nhu cầu.

Đại đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nội dung bản đồ án, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch là khá rõ bởi đã được Chính phủ xem xét nhiều lần trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học. Các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng, quy hoạch thủ đô trong bối cảnh Hà Nội ngày càng phát triển để xứng đáng là trái tim của cả nước là việc làm quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với hậu thế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. ĐB Vũ Hồng Anh đặt vấn đề: Việc dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, cách xa trung tâm chính trị sẽ làm tăng chi phí trong quản lý điều hành. Mặt khác, Chính phủ đang xây dựng trụ sở bộ, ngành ở Mỹ Đình, việc di dời có gây lãng phí, đề xuất này có tính đến mong muốn của con cháu ta?
 
ĐB Scom Sa Duyên lo ngại: Việc đặt trung tâm hành chính ở Ba Vì sẽ làm thay đổi hệ sinh thái đa dạng sinh học, về lâu dài phá vỡ cấu trúc tự nhiên này. Trong khi Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về suy giảm sinh học. ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Về mặt phong thủy, không ai đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thuỷ tận như vậy. ĐB Lê Quốc Dung phân tích: “Hành chính” phải gần và gắn liền với dân (nghĩa là một nền hành chính không thể xa dân, phải gần dân để phục vụ dân). Bền vững là phải dựa vào dân.

Với quy hoạch trục Thăng Long nối đường Hoàng Quốc Việt với chân núi Ba Vì cũng gây nhiều tranh luận. Đại biểu RCom Sa Duyên (Gia Lai), đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) và một số đại biểu đồng tình với định hướng của đồ án: “Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Bao gồm trụ sở của các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hóa...”.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn: Trục Thăng Long sẽ lấy rất nhiều đất nông nghiệp trong khi quan điểm của ta là hạn chế lấy đất nông nghiệp. Nói trục Thăng Long sẽ kết nối văn hoá, kinh tế với xứ Đoài thì không đúng, vì một trục đường không thể làm nổi việc đó.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Lê Quốc Dung nói: “Quá lãng phí khi xây dựng con đường này. Tính sơ sơ trục Thăng Long tốn 10km2 đất, trong khi đó đất đang chật, người lại đông. Nếu làm trục này thì sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực phía tây Hà Nội. Nói trục Thăng Long là hướng giao lưu thì ai lên đó làm gì vì là đường cụt”. ĐB Phạm Thị Loan băn khoăn: Việc quy hoạch trục Thăng Long chỉ khiến các nhà đầu tư lợi dụng, đẩy giá đất lên cao. Đề nghị bỏ trục này đi, coi đó như một con đường bình thường. 

* GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: “Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hoà Lạc, Ba Vì là sự lãng phí”.

Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hoà Lạc chẳng khác nào sự “dời đô” lần thứ hai. Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hoà Lạc là lãng quên các quy hoạch HN trước đây đã được phê duyệt.

Quy hoạch HN trước đây đã lựa chọn khu đất phía tây nam hồ Tây là rất khả thi, điều kiện địa chất - thuỷ văn rất tốt, nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì lại không thực hiện và khu đất này hiện đã giao cho nhà đầu tư nước ngoài khai thác quỹ đất (!?. Một khi dành khu đất dự trữ tại Hoà Lạc, dẫu theo Bộ Xây dựng là đến năm 2050 thì cũng đang tạo ra những bất ổn định về quy hoạch; đó là chưa nói đến việc một quy hoạch làm ra để treo hàng mấy chục năm thì có lãng phí hay không?

Hơn nữa, đã quy hoạch đặt trụ sở của một số bộ, cơ quan chính phủ tại Ba Vì thì cũng sẽ phải dành hàng trăm hécta đất đẹp nhất, phải xây dựng đường giao thông nối từ Hà Nội với Hoà Lạc, như quy hoạch trục Thăng Long rất hoành tráng, nhưng có chắc chắn tương lai sẽ dùng đến? Đây chính là sự lãng phí về kinh tế vô cùng lớn...

Q.T (ghi)

Đỗ Lê Tảo

>> "Tôi tin Thủ tướng sẽ lắng nghe" 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo