Thạc sỹ Andrea Teufel - giám đốc dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) tại Việt Nam, trưởng nhóm phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định cho biết có 6 bức tranh tường lớn ở tiền sảnh cung An Định bị hư hại nằm trong dự án phục hồi.
Trước đó, màu trên tranh bị bong tróc vì bề mặt vữa gốc của tường vỡ ra, một số khác bị quét các lớp vôi đè lên làm cho màu gốc bị phai mờ.
Phương pháp mà các nhóm chuyên gia người Đức đặt ra trong việc tiến hành phục hồi các bức tranh tường là tiến hành một cách chu toàn việc nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi.
Từ những kết quả thu thập được, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện theo thứ tự các công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn (vữa) mỏng bằng keo polyacrylic, tiến đến chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường.
- Ảnh bên : Phục hồi các tranh tường cung An Định
Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia sẽ dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino.
Theo bà Andrea Teufel, vôi vữa truyền thống trong việc phục hồi di tích Cố đô Huế, có nghĩa là trát vữa lên tường, đợi cho đến khi vữa khô, nhưng không khô hẳn mà còn hơi ẩm, tiếp đó dùng chất màu trộn với nước và vẽ trực tiếp thẳng lên mặt vữa tươi đó, không cần bất cứ loại chất kết dính hay keo nào.
Trong quá trình vữa định hình cứng dần, màu vẽ sẽ dính chặt theo dần lên bề mặt vữa. Đó cũng là cách tốt nhất và giúp tranh tồn tại lâu nhất. Có một loại vi khuẩn tốt sẽ sinh ra trong quá trình khô dần của vữa và màu ướt, giúp bức tranh tường có tuổi thọ lâu. Tranh tồn tại vững chắc trong một thời gian rất dài như cung ở An Định và các công trình kiến trúc khác ở Cố đô Huế.
Mới đây, việc sử dụng vôi vữa truyền thống còn được tiến hành trong việc phục hồi Bửu Thành Môn và Bình phong khu mộ-Lăng Tự Đức. Đây là cụm di tích được xây bằng gạch vữa, trang trí theo lối truyền thống, nhưng đã bị hư hỏng do thời gian xây dựng quá lâu cộng với khí hậu khắc nghiệt.
Sau hơn một năm trùng tu, các chuyên gia đầy kinh nghiệm của GCREP đã phục hồi toàn vẹn Bửu Thành Môn và Bình phong khu mộ-Lăng Tự Đức theo đúng những tiêu chuẩn bảo tồn và trùng tu quốc tế.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: "Vẻ đẹp của công trình di tích vốn có trước đây đã được hoàn trả lại, hài hòa với không gian cổ kính và thơ mộng của Lăng Tự Đức."
Sự thành công của dự án này sẽ đem đến những lợi ích lâu dài không chỉ riêng cho công trình này mà còn góp phần thiết lập được một quy trình bảo tồn trùng tu đặc thù cho các công trình, dự án khác. Đặc biệt, các chuyên gia đã tìm ra được một số công thức sản xuất vôi vữa truyền thống, để phục hồi màu sắc trang trí ngoại thất đã và đang được kiểm tra để ứng dụng trong các dự án bảo tồn của hệ thống di tích Cố đô Huế./.
Quốc Việt
- Hà Nội gọi vốn 10 tỷ USD xây hạ tầng giao thông
- Ưu tiên chống suy thoái rừng, bảo vệ nguồn nước
- Điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Lập tổ chuyên gia đàm phán hợp đồng xây Nhà hát Thăng Long
- Chỉ số thành phố Xanh: Hà Nội dưới mức trung bình
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Thủ đô
- Hà Nội dành 592 tỷ đồng hỗ trợ một số dự án quan trọng
- Cần Thơ duyệt quy hoạch khu đô thị và đại học 317 ha
- “Lô cốt” tái xuất
- Bộ Xây dựng ủng hộ TP.HCM xây cầu Thủ Thiêm 2