Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc đặt ra một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước. Bởi Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về những cơ chế chính sách đặc thù cụ thể được đề xuất trong dự thảo Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, chỉ nêu mục tiêu hướng tới của các cơ chế, chính sách hoặc là chưa thực sự có tính đặc thù, không hẳn là đã cần thiết mà với cơ chế, pháp luật hiện hành, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đều có thể thực hiện được…
- Ảnh bên : Toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm và một góc trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Đình Na /TTXVN)
Các ủy viên cũng đề nghị, việc xây dựng Luật Thủ đô phải trên cơ sở thực sự là cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, với các quy định của pháp luật hiện hành, những vấn đề đặt ra cho Thủ đô không thể giải quyết được. Các cơ chế, chính sách đặt ra phải bảo đảm tính ổn định, hợp lý, khả thi và trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp…
Trước ý kiến của một số ủy viên cho rằng dự thảo Luật chưa nêu bật lên được những cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội, dự thảo lấy quy hoạch làm nội dung cơ bản…, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Vũ Hồng Khanh đã giải trình và khẳng định nội dung dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, rõ ràng và lấy ý kiến của nhiều bộ.
Ông Khanh cho biết, các nội dung về phát triển giáo dục và đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ… đều đã thể hiện được đặc thù của Hà Nội. Ví dụ, điều 14 quy định về phát triển giáo dục và đào tạo với mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và thế giới; cho phép Hà Nội ban hành các tiêu chí cao hơn để phù hợp với khu vực và tiếp cận trình độ thế giới…
Ủy viên Đào Trọng Thi và một số đại biểu cho rằng cần quy định chất lượng cao hơn đối với một số trường chất lượng cao chứ không đại trà, để chất lượng giáo dục của Thủ đô đi đầu và có thể tiếp cận với các nước trên thế giới.
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh và một số đại biểu cũng đề nghị giữ lại các cơ chế, chính sách đặc thù về chiến lược phát triển kinh tế (Điều 9), phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 14), phát triển khoa học và công nghệ (Điều 15), bảo tồn và phát triển văn hóa (Điều 16), quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 17), phát triển, quản lý nhà ở (Điều 18) quản lý giao thông vận tải (Điều 20) trong dự thảo Luật.
Ủy viên Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khoản 5 điều 10 quy định trong nội thành không xây dựng mới, mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có… vì không phù hợp với lộ trình phát triển ngành y tế trong tương lai.
Bà Mai đề nghị đề nghị sửa lại phần liên quan đến Bệnh viện Trung ương, trong đó khuyến khích đô thị lớn phát triển dịch vụ y tế cao để tư nhân tham gia, giảm tải cho bệnh viện công.
Bà Mai cũng đề nghị nghiên cứu kỹ chính sách cho người lao động nhập cư bởi quy định như trong dự thảo Luật sẽ tạo nên sự phân biệt đối với lao động nhập cư, vì họ đến để đóng góp cho sự phát triển Hà Nội, cần xây dựng chính sách theo hướng đảm bảo cho sự công bằng cho người dân dù họ thường trú hay tạm trú.
Ủy viên Đào Trọng Thi cho rằng, báo cáo giải trình đã cơ bản giải quyết được những ý kiến khác nhau về dự thảo Luật; đồng thời bày tỏ đồng ý với quy định về danh hiệu vinh dự công dân danh dự Thủ đô. Đây là một hình thức khen thưởng nhằm vinh danh đối với những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và chỉ là danh hiệu vinh dự được tặng nhằm ghi nhận sự đóng góp của cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; việc tặng danh hiệu vinh dự này không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của người nhận danh hiệu.
Ủy viên Nguyễn Văn Thuận bày tỏ băn khoăn trước các quy định trong dự thảo Luật. Theo ông, muốn xây dựng Luật Thủ đô phải hội tụ đủ các yếu tố, đó là phù hợp chủ trương Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, quan hệ giữa chính quyền Trung ương và địa phương.
Ông Thuận đặt câu hỏi: “Làm thế nào để khắc phục được lối tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch của Thủ đô?” Bởi chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều rồi. Ngoài ra, cần xác định được trung tâm chính trị-hành chính quốc gia ở đâu để hàng trăm năm sau không phải bàn đến nữa…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật đã được Quốc hội đưa vào chương trình, cho ý kiến. Cần giữ các quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội và chỉnh lý như đã được thể hiện trong dự thảo Luật. Ngoài ra, các vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại là vấn đề chung của cả nước nên không đưa vào Luật.
Trước thực tế một số quy định trong dự thảo Luật vướng so với Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng Hà Nội là Thủ đô đặc thù nên cần có chính sách đặc thù. Quá trình xây dựng Luật có thể có những quy định khác với luật hiện hành nhưng không được trái với Hiến pháp. Những quy định trái với Hiến pháp sẽ được kiên quyết loại bỏ…/.
Nguyễn Bích Thủy
- Ưu tiên chống suy thoái rừng, bảo vệ nguồn nước
- Điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Lập tổ chuyên gia đàm phán hợp đồng xây Nhà hát Thăng Long
- Chỉ số thành phố Xanh: Hà Nội dưới mức trung bình
- Phục hồi tranh tường Huế bằng vôi vữa truyền thống
- Hà Nội dành 592 tỷ đồng hỗ trợ một số dự án quan trọng
- Cần Thơ duyệt quy hoạch khu đô thị và đại học 317 ha
- “Lô cốt” tái xuất
- Bộ Xây dựng ủng hộ TP.HCM xây cầu Thủ Thiêm 2
- Dự kiến dời 12 trường đại học, cao đẳng khỏi nội đô Hà Nội