Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Không hiểu Hà Nội thì đừng nói chuyện làm Luật Thủ đô

Không hiểu Hà Nội thì đừng nói chuyện làm Luật Thủ đô

Viết email In

Nếu cho rằng chủ trương nhà nước phải hướng ưu tiên vào những gì cấp bách và lâu dài nhất, thì cơ sở hạ tầng Hà Nội hiện đang báo động phải là ưu tiên số một, rất cần đến sức lực cả nước. Và nếu phải được bảo đảm bằng văn bản pháp lý đủ mạnh, thì đó mới là đối tượng cần điều chỉnh.

Khác với Luật Thủ đô của 11 nước được chọn làm đối tượng nghiên cứu (xem Báo cáo Luật Thủ đô nước ngoài), dự thảo Luật Thủ đô của ta có thể coi là tập hợp những chọn lọc từ các văn bản riêng rẽ, bao quát phần lớn các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, đến phân định quyền và trách nhiệm của các bộ, chính phủ, UBND TP trên mọi lĩnh vực, từ xây dựng, đầu tư, hợp tác quốc tế, đến văn hoá, y tế, giáo dục- đào tạo...

Dễ rủi do lớn về mặt chính sách

Đánh giá Dự thảo này, trước hết phải bắt đầu từ nguồn gốc đẻ ra nó, đường lối chủ trương đối với Hà Nội, thể hiện ở mục 1.2. Mục tiêu ban hành luật, trong Báo cáo đánh giá tác động Dự thảo Luật Thủ đô, đưa ra tới 14 tiêu chí, tất cả đều nhằm xây dựng thủ đô giầu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Từ mục tiêu mong muốn tổng quát đó, mô hình Hà Nội được chọn hoặc đứng hàng đầu, hoặc đóng vai trò trung tâm, từ con người văn minh, thanh lịch, thu hút nhân tài, cho đến mọi lĩnh vực văn hoá khoa học kỹ thuật, mọi ngành nghề kinh tế của một quốc gia, kể cả quốc phòng, ngoại giao.

Trước hết cần khẳng định, bất cứ đường lối chủ trương nào của bất cứ đảng, nhà nước nào trên thế giới cũng đều không phải là chân lý mà chỉ là một phương án lựa chọn. Thước đo lựa chọn chính là lợi ích mà nó kỳ vọng đem lại. Căn cứ khoa học được sử dụng làm cơ sở cũng không ngoài mục đích bảo đảm cho kỳ vọng đó được chắc chắn.

Mục tiêu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, không chỉ Hà Nội mà bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng đều mong muốn. Nhưng TOP các thành phố lớn trên thế giới hiện nay, đạt được đích trên, đều bằng chính sức của họ chứ không phải của cả nước họ. Hà Nội đặt ra mục tiêu đó cho riêng mình là đúng lẽ tự nhiên, nhưng nếu đặt ra cho cả nước, mà không có định lượng, lại được luật hoá cái không định lượng đó, thì sẽ trở thành một vấn đề rủi ro lớn về mặt chính sách.

Trên phương diện quốc gia, Hà Nội dù là thủ đô cũng chỉ là một đơn vị hành chính, phân cấp như bất kỳ đơn vị hành chính tương đương nào khác của cả nước, không phải là một đặc khu như Hồng Kông tách khỏi đại lục. Phát triển nó phải đặt trong phát triển chung của quốc gia, theo nguyên lý cân bằng (không đồng nhất với bình quân), bằng không hậu hoạ sẽ ngược lại.

Từ khi Hà Nội được mở rộng đột ngột, nay lại thêm chủ trương xây dựng Thủ đô trở thành hàng đầu, trung tâm, bằng sức mạnh tổng hợp của cả nước, sẽ càng làm cho khoảng chênh lệch trên thêm xa, động lực chuyển dịch kinh tế và dân số về Hà Nội càng mạnh hơn nữa, khủng hoảng quá tải hạ tầng sẽ càng thêm trầm trọng.

Có thể hình dung quy mô khủng hoảng, nếu tưởng tượng Hà Nội bỗng biến thành Tokyo, Pari, Washington DC, trong khi các tỉnh thành còn lại vẫn là Việt Nam chứ không phải Nhật, Pháp, hay Mỹ, sẽ thấy ngay vấn đề. Khi đó, sẽ không có một giải pháp nào ngăn cản nổi cả nước di dân tràn ngập Thủ đô, ngoài việc phong toả địa giới Hà Nội, như Hồng Kông dựng biên giới đối với lục điạ, nếu không, dù hạ tầng vững như 3 thành phố trên vẫn bị quá tải, tê liệt.

Nguy cơ bất ổn bởi chênh lệch giàu nghèo

Ở các nước đã phát triển, các tỉnh thành tự mình phát triển; ưu tiên đầu tư quốc gia nhắm vào những nơi thấp kém chứ không phải ngược lại, giải thích tại sao nước họ cân bằng, không tạo ra chênh lệch điạ kinh tế quá mức, hay đột ngột; người dân sống ở đâu cũng được cả, phân bố cân đối.

Để có được vị trí vai trò thủ đô, họ cũng mở rộng điạ lý, chẳng hạn Đức sát nhập cả một Tiểu bang Brandenburg vào Thủ Đô Berlin được khởi đầu từ việc điều chỉnh Hiến Pháp Liên bang năm 1995, đến nay đã 15 năm, vẫn còn nguyên chính quyền độc lập của hai Tiểu bang, phối hợp với nhau, theo hiệp định ký kết giữa 2 bên, không liên quan mấy đến Liên bang.

Họ cũng không lựa chọn phương án đột ngột như ta, nhập Hà Tây ngay lập tức vào Hà Nội, và Hiến Pháp Berlin năm 1995, sửa đổi năm 2006 cũng không hề đặt ra một chủ trương tập trung cả nước xây dựng thủ đô giàu đẹp, tiêu biểu, hàng đầu, trung tâm kiểu như ta.


Những em bé Hà Tây nay thành công dân Hà Nội.

Chỉ nói riêng về mục tiêu giàu đẹp, Berlin hiện có số lượng người hưởng trợ cấp xã hội đứng đầu tổng số 16 tiểu bang Đức, nói cách khác, Berlin nghèo bậc nhất, nhưng chưa có bất kỳ ý kiến nào cho rằng Berlin không xứng đáng là thủ đô. Tuy nhiên chủ trương họ cũng chỉ là một trong vô vàn phương án lựa chọn.

Nếu quả thực nước ta phải chọn phương án phát triển Hà Nội với mục tiêu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước và luật hoá nó, thì cần phải định lượng các mục tiêu đó thành chuẩn mực có thể đo lường được, trên cơ sở so sánh, cân đối với các đơn vị hành chính tương đương khác.

Xây dựng kinh tế thị trường, nước ta đã dần nhận rõ bức xúc và nguy cơ bất ổn bởi chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp thu nhập, nhưng lại chưa đặt ra đúng mức giữa các vùng, mà bất ổn một khi xảy ra, còn ghê gớm hơn nhiều. Có thể nhìn vào bất ổn Thái Lan hiện nay, dù gây ra bởi lực lượng chính trị nào, thì người ta cũng dễ dàng nhận thấy nguồn gốc kinh tế của nó với chỉ số Gini đặc trưng cho chênh lệch giàu nghèo (dao động từ 0 đến 1), đặc biệt giữa Bangkok và phần đất nước còn lại, ở mức báo động 43,2% - đứng hàng đầu Đông Nam Á.

Việt Nam cách đây 8 năm đã ở mức 37,8%. Trước mắt, nếu cho rằng chủ trương nhà nước phải hướng ưu tiên vào những gì cấp bách và lâu dài nhất, thì cơ sở hạ tầng Hà Nội hiện đang báo động phải là ưu tiên số một, rất cần đến sức lực cả nứơc. Và nếu phải được bảo đảm bằng văn bản pháp lý đủ mạnh, thì đó mới là đối tượng cần điều chỉnh.

Chừng nào chưa thể bắt đầu, chừng đó không nên tăng tốc đầu tư phát triển tổng thể Hà Nội, như mục tiêu Dự thảo đặt ra, nhất là xây dựng cao ốc, trung tâm mua sắm, các công trình du lịch, luôn thu hút chuyển dịch dân số cơ học.

TS Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức) 

>> Luật Thủ đô: Cần, cũng không thể vội 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo