Trong chương trình tổ chức các Hội nghị, Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2003, ngày 21/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì Hội thảo “Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất” nhằm tháo gỡ những bất cập, tìm phương án tối ưu đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển (ảnh bên), thực tế việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Giá thỏa thuận cao hơn giá thu hồi đất, cơ chế tự thỏa thuận giá đất giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất còn bất cập, tình trạng thu hồi đất kéo dài. Bên cạnh đó, việc tích tụ đất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, việc đấu giá quyền sử dụng đất còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế này, cần có những nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để từng bước hoàn chỉnh dự thảo Luật Đất đai. “Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TN&MT với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, đề ra những cơ chế chính sách phù hợp trong tình hình quản lý đất đai còn khá phức tạp hiện nay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia thuộc Tổng Cục Quản lý đất đai, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh…đã tập trung bàn luận 4 vấn đề thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng. Xung quanh vấn đề thẩm quyền giao đất, chính sách hạn điền…, các đại biểu đề nghị Nhà nước cần có cơ chế giám sát thẩm quyền giao đất, tránh tình trạng giao đất tràn lan, tăng cường chế tài đối với những đối tượng không thực hiện đúng quy định giao đất, cho thuê đất, đặc biệt đối với đất nông nghiệp…
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển ghi nhận và cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu để việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 đạt chất lượng cao.
Tổng cục Quản lý đất đai, bộ Tài nguyên và môi trường đã nêu định hướng sửa đổi luật Đất đai để xin ý kiến đóng góp. Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, có hai phương án: đối với đất nông nghiệp, đất có rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, không quy định thời hạn; đối với các loại đất trên giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn, song thời hạn sử dụng đất kéo dài hơn quy định hiện hành, thời hạn này là 50 hoặc 99 năm. (SGTT) |
- Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- Khởi động lại dự án đường trên cao Nhiêu Lộc – Thị Nghè
- Cả nước có 752 đô thị
- Phê duyệt quy hoạch điện lực quốc gia 2011-2020
- Gần 2.000 tỷ đồng xây dựng nút giao thông Ngã ba Huế
- Không được từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch
- Đề nghị công nhận Nam Định là đô thị loại I
- TPHCM quy hoạch 3 khu vực "phố đi bộ"
- Hà Nội xây dựng 2,1 triệu m2 nhà cho công nhân
- Hoàn thiện bản vẽ quy hoạch chung xây dựng Hà Nội trước 01/8/2011