Sáng 9/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã tiến hành chất vấn trực tiếp lãnh đạo thành phố và các sở về những vấn đề xã hội dân sinh, trong đó “nóng” nhất là giao thông đô thị.
Bức xúc với ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè
Các ĐB Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Xuân Diên nêu trực tiếp vấn đề: Năm 2006, HĐND Thành phố đã có nghị quyết thông qua Đề án về các nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong đó có quy định di chuyển bệnh viện, nhà máy, trường ĐH ra khỏi khu vực nội đô; xây dựng một số điểm trông giữ phương tiện giao thông ngầm; thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ. Tại sao đến nay vẫn chưa thực hiện? Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh và trông giữ các loại phương tiện ngày càng nghiêm trọng (thậm chí cả ở 64 tuyến phố văn minh đô thị cấp Thành phố). Trách nhiệm của UBND TP đến đâu và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
- Ảnh bên: Việc hình thành các khu đô thị mới trong nội thành là nguyên nhân ùn tắc giao thông
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, thực hiện chủ trương di dời một số nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, Thành phố đã chỉ đạo và di dời một số nhà máy như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà, Dệt 8-3… Một số trụ sở các cơ quan bộ ngành Trung ương đã được đầu tư xây dựng ra ngoài khu vực nội đô, như: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…, một số Bộ đang thực hiện quy trình để xây dựng trụ sở mới ngoài khu vực nội đô: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải…
Việc di dời, dãn một số bệnh viện, trường ĐH còn chậm do công tác quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, bệnh viện lớn của các Bộ GDĐT, Y tế còn chậm; nguồn vốn để GPMB và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nơi di chuyển đến lớn, chủ đầu tư các cơ sở di chuyển đi chưa có đủ điều kiện;
Việc xác định mức bồi thường, hỗ trợ cho nhà xưởng, thiết bị, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của các các cơ sở sản xuất, nhà máy phải di dời; Sự phối hợp giữa UBND TP và các Bộ, Ngành có cơ sở di dời chưa thường xuyên, chặt chẽ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về nguồn lực, quy hoạch, sử dụng đất và quá trình triển khai chuẩn bị đầu tư chậm. Một số chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện chủ trương di dời cơ sở theo quy định, quy hoạch.
Các lực lượng kiểm tra thiếu kiên quyết trong xử lý buộc phải di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất tiêu chí, danh mục các cơ sở cần di dời, đề xuất quỹ đất, địa điểm nơi đến của các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo cần di dời, việc khai thác các địa điểm cũ theo hướng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội .
Về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, UBND TP đã chỉ đạo UBND các quận thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý hè phố, lòng đường, quản lý hoạt động bán hàng rong theo quy định của UBND TP. Tuy nhiên, việc thực hiện không được thường xuyên, thiếu quyết liệt, thiếu sự quan tâm đúng mức, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong việc kiểm tra, đôn đốc, duy trì thực hiện các quy định về quản lý hè phố, lòng đường. làm cho tình trạng lấn chiếm hè phố để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện không đúng quy định trên nhiều tuyến phố ở địa bàn một số quận, phường tiếp tục xảy ra, nhất là khi không có lực lượng kiểm tra, xử lý.
UBNDTP đã yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp Công an TP và các quận rà soát, thu hồi các điểm trông giữ phương tiện trên hè phố, lòng đường làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn, ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm. Sở đã trình, UBND Thành phố đã chủ trì làm việc với các ngành, các địa phương và đã thống nhất việc sắp xếp các điểm đỗ xe trên các tuyến phố từng quận, triển khai từ ngày 01/01/2012.
UBND các quận, phường phải xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác quản lý trật tự đô thị, không để lấn chiếm hè phố, lòng đường, trình UBND TP và thực hiện từ tháng 01/2012; chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm.
Chưa xử lý quận, phường, xã nào
Không hài lòng với trả lời của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, các ĐB đã tái chất vấn. Các ĐB Nguyễn Hoài Nam, Lê Văn Hoạt đặt thẳng câu hỏi: Đã phường, xã nào bị xử lý trong việc để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hay chưa? Bài toán ùn tắc giao thông được xử lý thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Di dời nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện… nhưng thiếu vốn – lấy vốn từ các nhà đầu tư bằng cách giao đất xây đô thị - hình thành các đô thị mới – dân số cơ học tiếp tục tăng – ùn tắc giao thông trong khi luôn thiếu quỹ đất cho các công trình phúc lợi?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, đến nay chưa xử lý chính quyền phường, xã nào về vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng đã xử lý các cá nhân vi phạm, tuy nhiên thành phố chưa nhận được báo cáo.
Việc thiếu vốn trong di dời làm phát sinh các khu dân cư mới, thành phố đã báo cáo Chính phủ trong việc tìm các giải pháp, trong đó có xây dựng cơ chế chính sách để tạo nguồn lực cho các nhà đầu tư khi di dời cơ sở chứ không phải sử dụng trực tiếp đất nơi di dời. Thành phố sẽ nghiêm khắc trong việc không cho phép xây thêm nhà cao tầng mới. UBND TP đã yêu cầu các sở ban ngành rà soát lại các dự án đang và sẽ triển khai, dừng toàn bộ các dự án xây nhà cao tầng mới trong các quận nội thành để giảm ùn tắc giao thông.
Đức Hạnh
- 5 tiêu chí lựa chọn Khu kinh tế ven biển để đầu tư giai đoạn 2012 - 2015
- TPHCM: 146 triệu đô la cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm
- Tháp Mỹ Sơn có nguy cơ sụp đổ
- Ninh Thuận: "Quy hoạch mới - Kịch bản phát triển mới - Cơ hội đầu tư mới"
- Cử tri phản ánh các sông, hồ Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng
- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch Thủ Thiêm
- Đà Nẵng phê duyệt đề án Xây dựng mô hình Thành phố điện tử
- Xây Nhà hát San hô tại Phan Rang-Tháp Chàm
- Hà Nội ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm
- Đà Nẵng đề xuất chính quyền đô thị: Chủ tịch thành Thị trưởng