Ông Tomoyuki Kimura (ảnh bên), Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã có khẳng định trên tại hội thảo về “Chiến lược Đối tác quốc gia giai đoạn 2012-2015” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây tại Hà Nội.
Cụ thể, ADB sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo; quản lý tài nguyên bền vững; tăng cường năng lực và hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn; phát triển ngành tài chính đa dạng; hỗ trợ về kỹ thuật và các khoản đầu tư có mục tiêu của ngành y tế, giáo dục; cải cách doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua sự kết hợp giữa các khoản vay chương trình và hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hỗ trợ cho hợp tác và hội nhập khu vực.
Về ngành năng lượng, việc mở rộng khả năng phát điện, chuyển tải và phân phối theo cách bền vững về kinh tế và môi trường để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh là ưu tiên của Chính phủ, do đó ADB sẽ tập trung hỗ trợ vào lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, nhu cầu vốn để đầu tư trong giai đoạn 2011-2020 dự kiến sẽ vào khoảng 16 tỷ USD/năm. Dựa trên các ước tính hiện nay, gần một nửa trong số đó được dự báo là có thể huy động được và khu vực tư nhân sẽ bù đắp phần thiếu hụt rất lớn này nên đòi hỏi cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý hiệu quả cho quan hệ hợp tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, theo ADB, khu vực tư nhân cũng có những hạn chế về khả năng tiếp cận vốn và quản lý tài chính. Do vậy, ADB đã hỗ trợ cải cách doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua sự kết hợp giữa các khoản vay chương trình và hỗ trợ kỹ thuật.
ADB cũng đang đề xuất một chương trình hỗ trợ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân (P3SP) để thúc đẩy sự tham gia hơn nữa của Chính phủ vào quá trình đối thoại nhằm giải quyết vấn đề hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, nhằm đem lại môi trường thuận lợi hơn cho quan hệ hợp tác này.
Mặc dù ADB vẫn cam kết hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tới, song tiến sỹ Dương Đức Ưng, chuyên gia tư vấn của ADB, nhấn mạnh bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới giai đoạn 2011-2015 có xu hướng hồi phục chậm và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, kéo theo đó là nguồn cung ODA bị ảnh hưởng và có thể giảm sút.
Mặt khác, Việt Nam đã đạt được mức phát triển của một nước thu nhập trung bình (MIC), bên cạnh những cơ hội phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, Việt Nam cũng phải đối mặt với nguồn vốn ODA có thể bị giảm, thay thế bằng những nguồn vốn kém ưu đãi khác.
Điển hình, trong Chiến lược sẽ được phê chuẩn của ADB vào quý II/2012, dự kiến các nguồn vốn giai đoạn 2012-2014 của ADB dành cho Việt Nam sẽ vào khoảng khoảng 943 triệu USD/năm đối với vốn vay OCR - vốn kém ưu đãi hơn và chỉ có 400 triệu USD/năm dành cho quỹ ADF - vốn ưu đãi; chương trình hỗ trợ kỹ thuật hàng năm khoảng 7-8 triệu USD… Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam vào khoảng 250-266 tỷ USD, trong đó tỷ lệ vốn trong nước là 75-80%, số còn lại là vốn nước ngoài. Tuy nhiên, theo thống kê, dự kiến vốn cam kết tài trợ phát triển hiện mới là 32-34 tỷ USD, dự kiến giải ngân 14-16 tỷ USD, vốn tài trợ phát triển thực hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng đầu tư toàn xã hội.
Theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện ADB là đối tác chiến lược đứng thứ ba trong các đối tác quốc tế về cam kết vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng năm cho Việt Nam./.
Quang Toàn
Tin mới hơn:
- Gấp rút hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây
- Tháng 6/2012, trình Chính phủ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Hà Nội: Những công trình kỳ vọng giải toả ùn tắc trong năm 2012
- Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA
- Phát lộ con đường đá cổ khu vực thành nhà Hồ
Tin cũ hơn:
- Hà Nội: Đã bán được 142.600m2 nhà ở theo Nghị định 61
- TP.HCM: Đầu tư gần 1.500 tỷ xây dựng cầu Sài Gòn 2
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án hợp tác về giao thông Việt-Pháp
- Vay WB gần 1 tỷ USD để xây đường cao tốc, đô thị
- Hà Nội ra mắt 5 sản phẩm du lịch khám phá phố cổ