9 bãi đỗ xe cao tầng trong nội đô
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 3,7 triệu xe máy, gần 400.000 ô tô… Sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện cùng với cơ sở hạn tầng hạn chế khiến Thủ đô liên tục rơi vào cảnh ùn tắc.
Xác định một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là do thiếu bãi đỗ dẫn đến lòng đường bị chiếm dụng làm các bãi đỗ xe cho nên đường đã hẹp lại càng chật; trong năm năm 2012, Hà Nội dự tính sẽ xây dựng 9 bãi đỗ xe cao tầng tại các khu vực như: Phùng Hưng, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Ngọc Khánh, Kim Ngưu…
Các bãi đỗ xe này chủ yếu sẽ được xây dựng trên diện tích vừa phải nhưng được chia làm nhiều tầng và sử dụng công nghệ xếp đỗ tiên tiến, giải tỏa nhanh lượng xe ra vào bãi. Theo dự tính, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết bài toán thiếu điểm đỗ ở Thủ đô nhiều năm nay.
Ngoài ra, trong chiến lược dài hạn đến năm 2015, theo quy hoạch giao thông tĩnh của Sở Giao thông vận tải, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 50 bãi đỗ xe mới ngầm và nổi tại nhiều khu vực trong nội đô đến năm 2015.
Để tránh tình trạng xây nhà cao tầng thiếu điểm đỗ xe, lãnh đạo Hà Nội còn kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà, khu đô thị phải bố trí bãi đỗ xe đáp ứng đủ nhu cầu của dự án và dành 20-30% diện tích cho đỗ xe công cộng.
Xây dựng hàng loạt cầu vượt nhẹ cho ô tô, xe máy tại các điểm ùn tắc
Một trong những công trình hạ tầng giao thông nữa cũng đang được Hà Nội tính đến để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội là thành phố sẽ cho xây dựng một số cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe con và xe máy tại một số nút giao có mật độ phương tiện đi lại cao hay xảy ra ùn tắc giao thông: Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Chùa Bộc - Sơn Tây, đường Láng - Lê Văn Lương, đường Láng - Trần Duy Hưng...
Các cây cầu vượt trên sẽ được xây dựng bằng kết cấu thép nhẹ, móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn hoặc móng cọc vít thi công ép xoắn, trụ thép hoặc trụ đổ bê tông bên trong, khi cần có thể di dời đến vị trí khác dễ dàng, thuận lợi, ít tốn kém. Mỗi cầu sẽ thiết kế đủ rộng cho 4 làn xe con (12 m), chi phí khoảng 150 tỷ đồng.
Dự kiến thời gian xây dựng các cây cầu vượt nhẹ bằng thép trên sẽ mất 4 tháng, sau đó sẽ được đưa vào sử dụng ngay sẽ góp phần giảm các điểm ùn tắc tại các điểm cầu được triển khai.
Đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường giao thông trọng điểm
Ngoài các công trình trên, trong năm tới, lãnh đạo Hà Nội quyết tâm đẩy nhanh và hoàn thiện dứt điểm các trục đường Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, quốc lộ 32… Đây là các tuyến có mật độ lưu thông lớn song tiến độ thi công ì ạch qua nhiều năm.
Một trong những con đường được lãnh đạo thành phố quyết tâm hoàn thành trong năm 2012 là "Con đường đau khổ" - quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn (ảnh bên). Tính đến thời điểm này, tuyến đường quốc lộ 32 – Nhổn đã lỡ hẹn khoảng 3 năm, tuy nhiên, hiện đang được đơn vị xây dựng khẩn trương thi công hoàn tất trước Tết Nhâm Thìn. Đây được coi là tuyến huyết mạch phía tây, nối liền nội đô với các huyện thuộc Hà Tây cũ, xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.
Tuyến đường thứ 2 cũng sẽ được thúc tiến độ để hoàn thành và đưa vào sử dụng thứ 2 trong năm 2012 là tuyến Cát Linh - La Thành - Thái Hà – Láng. Cùng với tuyến quốc lộ 32 – Nhổn thì tuyến Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng cũng được coi là công trình có tốc độ rùa bò kỷ lục nhất của Hà Nội. Chỉ có gần 2km đường nhưng Hà Nội đã tốn hơn 10 năm thi công.
Bắt đầu thi công từ năm 2001, kế hoạch hoàn thành năm 2006, song đến nay, dự án vẫn chưa hoàn tất. Thời gian qua, dự án ì ạch không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn gây úng ngập cho quận Đống Đa vì mương Thái Thịnh bị chặn dòng chảy.
Một tuyến đường khác cũng được lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành trong năm 2012 đó là tuyến Văn Cao - Hồ Tây. Đáng ra, tuyến này đã được hoàn thành trong năm 2011, tuy nhiên trong quá trình thi công, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh gạch và gốm cổ thời Lý - Trần – Lê cho nên công trình bị tạm dừng để khảo cứu cũng như tốc độ giải phóng mặt bằng chậm chạp khiến đoạn tuyến này chậm tiến độ hơn 1 năm. Sau khi hoàn thành, đường Trần Duy Hưng sẽ được nối thông với Hồ Tây, đây được coi là tuyến đường đẹp nhất của thủ đô Hà Nội.
Cùng với các giải pháp khác Hà Nội sẽ triển khai, những tuyến đường này khi hoàn thành sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của thành phố. Hy vọng trong năm mới, Hà Nội sẽ bớt ùn tắc hơn.
Tùng Nguyễn
Tin mới hơn:
- Thúc đẩy hỗ trợ tín dụng của Mỹ cho dự án hạ tầng
- Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX tại TP.HCM
- TPHCM: 400 tỷ đồng nâng cấp đường dọc kênh Nhiêu Lộc
- Gấp rút hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây
- Tháng 6/2012, trình Chính phủ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Tin cũ hơn:
- Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA
- Phát lộ con đường đá cổ khu vực thành nhà Hồ
- ADB cam kết hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng toàn diện
- Hà Nội: Đã bán được 142.600m2 nhà ở theo Nghị định 61
- TP.HCM: Đầu tư gần 1.500 tỷ xây dựng cầu Sài Gòn 2