Ngày 7/2, thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tư vấn phản biện bổ sung lần cuối cho Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 trước khi hoàn chỉnh trình Hội đồng thẩm định quốc gia và Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch, phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm khoa học - công nghệ, trung tâm y tế, trung tâm giáo dục đào tạo, văn hóa của toàn vùng; là đầu mối giao thông nội vùng và liên vận quốc tế, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có tầm ảnh hưởng quốc gia và cả vùng Đông Nam Á.
- Ảnh bên: Một góc phía nam thành phố Cần Thơ (Ảnh: Duy Khương)
Dựa trên ý tưởng, quan điểm chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo thành phố Cần Thơ là “Quy hoạch thành phố Cần Thơ phải đảm bảo tính chất đặc thù của đô thị cảnh quan sông nước, theo hướng phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững,” Phân viện Quy hoạch Đô thị nông thôn miền Nam thuộc Bộ Xây dựng làm chủ nhiệm đề tài đã điều chỉnh quy hoạch theo 5 nội dung lớn.
Trên cơ sở đánh giá chung hiện trạng kinh tế, xã hội, hình thái đô thị, kiến trúc cảnh quan của thành phố, Phân viện đã cơ cấu điều chỉnh phát triển không gian đô thị của thành phố là chuỗi trung tâm đô thị bản sắc riêng, chất lượng cao, đan xen giữa đô thị và nông thôn hình thành vuông góc và song song với mạng lưới kênh rạch, hệ thống giao thông tạo nên một Cần Thơ mới.
Trong đó, đồ án đặc biệt chú trọng điều chỉnh các mảng xanh như công viên, vùng sản xuất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, cù lao xanh trên sông Hậu…
Trục đô thị này kết hợp hạ tầng giao thông, các khu giải trí, các công trình công cộng, công viên Sông Hậu cấp vùng với hệ thống thoát nước và chống ngập hiện đại, hứa hẹn tạo nên cảnh quan sáng xanh, sạch, đẹp đảm bảo các yếu tố đô thị sinh thái, phát triển hỗn hợp, sống tốt và phát triển bền vững.
Đồ án điều chỉnh quan tâm đến bối cảnh phát triển, vai trò vị thế, các mối quan hệ, tiềm năng và động lực phát triển của thành phố trong tương lai.
Theo đó, hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy trở thành hai khu khu đô thị trung tâm của thành phố Cần Thơ với 9 khu chức năng đô thị cấp cao.
Quận Cái Răng mang tính chất khu đô thị cảng biển quốc tế - công nghiệp. Quận Ô Môn sẽ trở thành khu đô thị mới trong tương lai và công nghiệp nặng, trong đó hai phường Thới An và Thới Long sẽ hình thành khu đô thị công nghệ và khoa học trung tâm của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các huyện Thốt Nốt, Phong Điền, Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ tập trung xây dựng khu đô thị công nghiệp - dịch vụ và khu đô thị sinh thái - du lịch - vành đai xanh của thành phố.
Đồ án điều chỉnh cũng đã quy hoạch phát triển toàn diện hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, các giải pháp đồng bộ khoa học về không gian kiến trúc, môi trường, các công trình phúc lợi xã hội, công cộng, đảm bảo để Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững.
Đến năm 2030, dân số của thành phố Cần Thơ sẽ đạt 2,1 triệu người; tốc độ tăng trưởng đạt 12-18%/ năm; tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 70%./.
Trần Khánh Linh
- Gần 21.000 tỉ đồng xây đường cao tốc Huế - Đà Nẵng
- Khởi công xây dựng Khu hàng không dân dụng thuộc Cảng hàng không Tuy Hoà
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng
- Quy hoạch tổng mặt bằng khu 18 Hoàng Diệu là quy hoạch đặc thù
- Chú trọng xây khu mẫu điển hình về nhà ở xã hội
- Thúc đẩy hỗ trợ tín dụng của Mỹ cho dự án hạ tầng
- Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX tại TP.HCM
- TPHCM: 400 tỷ đồng nâng cấp đường dọc kênh Nhiêu Lộc
- Gấp rút hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây
- Tháng 6/2012, trình Chính phủ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi