Ngày 29/5, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích Trung ương tiến hành khảo sát lập dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn theo đúng quy trình khoa học.
Qua 3 lần bảo vệ, dự án đã được hoàn chỉnh để phục vụ công tác trùng tu. Song công trình hiện đang gặp khó khăn do thiếu vốn, rất cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức trong và ngoài nước.
Ngọ Môn là cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế. Ngọ Môn, có nghĩa là cổng giữa trưa hay cổng xoay về hướng Ngọ, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Đầu triều Nguyễn, cổng này được xây với tên gọi Nam Khuyết Đài, bên trên có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Đến năm Minh Mạng 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành, Nam Khuyết Đài được thay thế bằng công trình Ngọ Môn đồ sộ, quy mô như hiện nay với 5 lối đi được thiết kế theo hình chữ U.
Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi, hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Phía trên Ngọ Môn là lầu Ngũ Phụng với 100 cây cột bằng gỗ lim và hệ mái được bố trí thanh thoát mang ý nghĩa biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng. Ngọ Môn không chỉ là công trình mang chức năng thuần túy của cửa ra vào Hoàng Thành mà còn là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ lớn như lễ Ban sóc (ban lịch năm mới), lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô hoặc nghênh tiếp các sứ thần…
Nơi đây là chứng tích lịch sử của cuộc chuyển giao thế kỷ giữa chính quyền quân chủ triều Nguyễn và chính quyền dân chủ cách mạng vào tháng 8/1945. Chính vì thế, Ngọ Môn mang đậm ý nghĩa văn hóa, lịch sử không chỉ của Huế, của quốc gia, dân tộc mà hơn thế nữa là của nhân loại với vai trò là một bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng trong quần thể di tích Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Trải qua thời gian và chiến tranh, công trình đã được tu sửa nhiều lần. Gần đây nhất là năm 1992-1993, Ngọ Môn đã được Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO tài trợ 100.000 USD cho việc trùng tu, nhưng cho đến nay dưới tác động của thời tiết gió, bão và độ ẩm cao, công trình hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được trùng tu để bảo tồn nguyên vẹn.
Cộng hòa Liên bang Đức chính thức tài trợ "Dự án bảo tồn phục hồi nội thất công trình Tả Vu-Đại Nội Huế" trong giai đoạn 2012-2013, với tổng nguồn vốn 139.660 euro. Đây là dự án thứ 4 trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thực hiện các dự án bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ba dự án trước là: Bảo tồn phục hồi nội thất Khải Tường Lâu - Cung An Định; Bảo tồn phục hồi Cổng và bình phong khu mộ vua - lăng Tự Đức và Bảo tồn tu bổ công trình Tối Linh Từ - Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế. Tả Vu là nơi dành cho các quan văn (đối diện có Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ) chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của Cơ Mật Viện, đồng thời cũng là nơi tổ chức thi đình và yến tiệc. Tả Vu và Hữu Vu đều được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 và cải tạo vào năm 1899. Phần trang trí nội thất (họa tiết vẽ trên tường và trần nhà) của công trình khá tương đồng với các trang trí nội thất của công trình Khải Tường Lâu - cung An Định; nhưng đã bị hư hỏng nặng trong thời gian chiến tranh, nay chỉ một số họa tiết còn sót lại đang được bảo quản chờ có điều kiện thuận tiện để phục hồi. Công trình do nhóm thực hiện Dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) liên kết với Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức (GEKE) - vốn là những đối tác có kinh nghiệm thực hiện các dự án bảo tồn trang trí nội và ngoại thất tại di tích Huế trước đó, nay tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện phục hồi lại trang trí nội thất của Tả Vu, đồng thời tổ chức chương trình đào tạo nghề tại chỗ cho một số họa sỹ, thợ truyền thống trẻ của Huế về kỹ năng bảo tồn tác phẩm trang trí nghệ thuật theo tiêu chuẩn của châu Âu và quốc tế. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi triển lãm trưng bày về một phần lịch sử của triều Nguyễn và là điểm dừng chân thú vị cho du khách trong khi tham quan khu vực Đại Nội. |
Quốc Việt
- Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020
- Tập trung không gian cao tầng trên trục Nhật Tân – Nội Bài
- Đan Mạch ngừng tài trợ ba dự án cho Việt Nam do phát hiện có “bất thường”
- Hà Nội duyệt quy hoạch khu đô thị hơn 1.000 ha tại Đông Anh
- TPHCM: Không đồng ý làm tuyến đường sắt Hòa Hưng – Tân Kiên
- Báo cáo kết quả nghiên cứu không gian đi bộ trong khu trung tâm TPHCM
- Ngày Môi trường thế giới tại Quảng Ninh
- Đề xuất ý tưởng bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn
- Thi thiết kế khu trung tâm hành chính TP HCM
- Bàn giao nhà vệ sinh nổi đầu tiên ở khu vực ĐBSCL