Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam Xây khách sạn trong công viên Thống Nhất: Kiểm tra, báo cáo Thủ tướng

Xây khách sạn trong công viên Thống Nhất: Kiểm tra, báo cáo Thủ tướng

Viết email In

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra việc TCty Du lịch Hà Nội lấy gần 10.000 m2 đất của Công viên Thống Nhất để góp vốn xây dựng khách sạn theo vụ việc nêu trên báo Đại Đoàn kết.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn 1130/VPCP-KTN yêu cầu phải báo cáo về vụ việc này với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/3/2009.

Trước đó, Báo Đại Đoàn kết số 23, thứ Ba ngày 17/2/2009, có bài: "Không thể lấy đất của Công viên Thống Nhất để xây khách sạn!" (xem ở dưới) phản ánh dư luận Hà Nội đang nóng lên bởi khách sạn Novotel Hanoi on the Park liên doanh với Tổng công ty du lịch Việt Nam đang được thi công ngày đêm với không khí khẩn trương trong lòng Công viên Thống Nhất, chiếm diện tích gần 10.000m2.

Bài báo này có đoạn: "Nhiều nhà quy hoạch đô thị cho rằng không ai lại đi xây dựng khách sạn trong công viên, đường đi vào khách sạn cũng trong công viên. Do vậy người ta nghi ngờ rằng những người tham gia dự án này sẽ lấn chiếm dần Công viên Thống Nhất và với một khách sạn 4 sao, diện tích đất xây dựng gần 10.000m2 thì không gian sử dụng của khách sạn phải lớn tới gần 40.000m2. Và thế là Công viên Thống Nhất sẽ bị khách sạn này chiếm dụng gần 1/10 diện tích".

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần làm rõ việc xây dựng khách sạn tại vị trí trên có phù hợp với Quy hoạch xây dựng đã được duyệt và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu không.

Chùm ảnh công trình thi công khách sạn trong công viên Thống Nhất, Hà Nội :
(Chụp ngày 24/2/2009 - Ảnh : Phạm Yên)

Không thể lấy đất của Công viên Thống Nhất để xây khách sạn!
(Báo Đại Đoàn kết số 23, thứ Ba ngày 17/2/2009)

Dư luận Hà Nội lại đang nóng lên bởi khách sạn Novotel Hanoi on the Park liên doanh với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đang được thi công ngày đêm với không khí vô cùng khẩn trương trong lòng Công viên Thống Nhất, chiếm diện tích gần 10.000m2. 

Còn nhớ cách đây một năm một dự án khu vui chơi giải trí tại Công viên Thống Nhất dự định triển khai, nhưng đã bị dư luận phản đối quyết liệt, do vậy UBND TP. Hà Nội đã không cấp phép đầu tư. Chủ trương xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal cũng đã manh nha từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng không được các nhà khoa học và kiến trúc đô thị đồng tình, nên đã bị gác lại. Nay nó lại hiện hình trở lại, tuy có thay họ đổi tên, nhưng vẫn với mục đích là lấn chiếm Công viên Thống Nhất - một lá phổi quan trọng của thủ đô.

Sở dĩ dư luận phản đối quyết liệt dự án xây dựng khách sạn tại Công viên Thống Nhất vì hiện nay Hà Nội đang thiếu trầm trọng vườn hoa, công viên, cây xanh công cộng khiến không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án quy hoạch xây dựng đô thị do các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu thì trong giai đoạn 1998 - 2020 bình quân mỗi đầu người ở Hà Nội phải có từ 16 - 20m2 cây xanh, nhưng hiện nay ta mới đạt từ 1 - 2m2/người. Sai lầm nghiêm trọng của chúng ta trong quy hoạch đô thị là không dành đất để tạo nên những vườn hoa, công viên cây xanh mới, mà nhiều công viên đã có còn bị thu hẹp hoặc xoá xổ. Chính vì công luận lên tiếng mà một phần diện tích công viên Thủ Lệ bị lấn chiếm đã được thu hồi. Nhưng hiện nhiều công viên khác đang hàng ngày bị gặm nhấm, bị lấn chiếm như Công viên Thành Công đã bị trụ sở của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một nhà hát và một sân tập golf lấn một diện tích đáng kể. Rồi Công viên Bách Thảo cũng đang bị quây lại, thu hẹp bởi rất nhiều dịch vụ ăn uống... Ngay Công viên Tuổi trẻ, Ban giám đốc cũ đã bị kỷ luật bởi cho xây dựng nhiều công trình hạng mục không có trong quy hoạch, nhưng xem ra Công viên Tuổi trẻ còn lâu mới được khánh thành và trở thành một công viên thực thụ. Bởi ngoài việc phát cây cỏ mọc um tùm trong nhiều năm, đặt một số ghế đá... còn thì dịch vụ trông giữ xe ôtô vẫn rất nhộn nhịp, cả mặt phố Võ Thị Sáu vẫn là sân tennis. Diện tích công viên đã nhỏ hẹp, hiện một phần quan trọng đang được quây kín, nghe nói là để xây dựng Nhà hát ngoài trời.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội nghĩ gì khi môi trường Hà Nội đã được kết luận là rất ô nhiễm mà trong nhiều nguyên nhân có việc Hà Nội thiếu trầm trọng các vườn hoa, công viên cây xanh. Thế mà trong số ít ỏi công viên, cây xanh Hà Nội có được thì nơi nào cũng bị lấn chiếm, cũng bị xây dựng và sử dụng sai mục đích.

Trở lại với việc xây dựng khách sạn tại Công viên Thống Nhất. Mọi công dân thủ đô đều biết từ một bãi đất hoang, cách đây trên 50 năm, Công viên Thống Nhất được xây dựng bởi công sức của hàng chục vạn thanh niên, học sinh, sinh viên thủ đô. Và trong 50 năm tồn tại nó đã thực sự là lá phổi xanh của Hà Nội, hàng vạn người dân ngày ngày vào công viên nghỉ ngơi, thư giãn và tập thể dục; nhiều sinh hoạt văn hoá - thể thao lớn của thủ đô và cả nước đã diễn ra ở đây. Công viên Thống Nhất đã thực sự trở thành một tụ điểm sinh hoạt và nghỉ dưỡng công cộng của nhân dân thủ đô. Do vậy về mặt tình cảm việc xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal trong Công viên Thống Nhất là xâm phạm quyền lợi của nhân dân thủ đô và không được nhân dân đồng tình. Về mặt pháp lý cho phép xây dựng khách sạn ở đây là vi phạm vì việc xây dựng khách sạn không có trong quy hoạch Công viên Thống Nhất. Việc Tổng công ty Du lịch Hà Nội lấy một phần đất của Công viên Thống Nhất để góp vốn xây dựng khách sạn là sai cả về quy hoạch và pháp luật vì đất công viên không phải là đất của họ.

Nhiều nhà quy hoạch đô thị cho rằng không ai lại đi xây dựng khách sạn trong công viên, đường đi vào khách sạn cũng trong công viên. Do vậy người ta nghi ngờ rằng những người tham gia dự án này sẽ lấn chiếm dần Công viên Thống Nhất và với một khách sạn 4 sao, diện tích đất xây dựng gần 10.000m2 thì không gian sử dụng của khách sạn phải lớn tới gần 40.000m2. Và thế là Công viên Thống Nhất sẽ bị khách sạn này chiếm dụng gần 1/10 diện tích.

Người ta nói nếu không mở rộng Hà Nội thì sẽ phải xây dựng nhiều công trình, triển khai nhiều dự án trong một không gian đô thị đã quá chật hẹp. Nay Hà Nội đã được mở rộng, nhưng người ta vẫn cố tình và ngang nhiên triển khai nhiều dự án xây dựng ở giữa trung tâm mà mọi người đều biết chỉ mang lại quyền lợi cho một nhóm lợi ích nào đó, bất chấp người dân thủ đô hiện nay và con cháu chúng ta sau này phải gánh chịu những tác hại khôn lường. Đề nghị Hà Nội phải rà soát lại những công trình đã và đang triển khai trong trung tâm, phải lấy ý kiến của nhân dân và các nhà khoa học. Các dự án sai phải dừng lại và người ký quyết định cho phép phải bị xử lý, chứ không thể nhận sai thì dừng và tất cả đều hoà cả làng. Và điều quan trọng là lãnh đạo Hà Nội phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể và đưa ra công khai cho nhân dân và các nhà khoa học tham gia, đóng góp ý kiến. Không thể để một thủ đô sắp kỷ niệm 1000 năm tuổi vẫn xây dựng theo kiểu chắp vá và tuỳ tiện.

Trần Bảo Hưng  

>> Sẽ quy hoạch đồng bộ Công viên Thống Nhất 

>> Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN kiến nghị lãnh đạo TP về dự án khách sạn Novotel on the Park 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo