Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tin tức Việt Nam Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII: Bàn về công tác quy hoạch

Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII: Bàn về công tác quy hoạch

Viết email In

Hôm nay 4/10, kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc với chuyên đề “Công tác lập, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị". 

Trong ngày đầu, UBND TPHCM báo cáo công tác quy hoạch gồm: đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025; đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 2 khu trung tâm hiện hữu; công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP; tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã có văn bản thuận địa điểm, có quyết định thu hồi, giao đất của UBND TPHCM. HĐND TP cũng báo cáo công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết 57 năm 2006 của HĐND TPHCM khóa VII (về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đào tạo giải quyết việc làm khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM).  

Báo cáo của UBND TP cho biết đến nay TP có 83,02% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (trong đó có 56,19% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt đồ án), góp phần phục vụ công tác quản lý quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng. TP cũng nhìn nhận nhiều hạn chế, tồn tại về tiến độ và chất lượng đồ án. Trong đó, hạn chế lớn nhất nội dung các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 chưa đề xuất được hạng mục ưu tiên đầu tư, kế hoạch thực hiện (về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ đô thị, công viên cây xanh) cũng như chưa xác định được nguồn lực đầu tư. 

Từ đó, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch thường bị kéo dài, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch. Về quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, TP nhận định các dự án phát triển nhà ở đa số nhỏ, lẻ nên phát triển manh mún, thiếu hài hòa về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, chưa đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng “quy hoạch chạy theo dự án”, nguyên nhân chủ yếu vì trong thời kỳ phát triển thị trường bất động sản và vì mục tiêu tăng trưởng nên các nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch (chuyển chức năng khác thành chức năng nhà ở, tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất), tác động xấu đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch.

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, UBND TP cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác giám sát các dự án đầu tư theo quy định, tránh tình trạng “dự án treo”. Ngoài ra, đối với nhà ở riêng lẻ của người dân trong các khu vực được quy hoạch là công viên cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng, khu vực mở đường giao thông mới hoặc mở rộng đường giao thông theo lộ giới quy hoạch thì cần đảm bảo quyền lợi, hạn chế gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến đời sống sinh hoạt, đời sống cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch.

TP cũng cho biết, sắp tới đối với các nội dung đã có kế hoạch thực hiện thì cần công bố nguồn lực, thời gian và lộ trình thực hiện để cộng đồng dân cư được biết và giám sát thực hiện theo quy hoạch. Ngoài ra, đối với các nội dung mà qua rà soát, đánh giá nhận thấy không khả thi, cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch (xóa quy hoạch treo) thì cần công bố và lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Riêng báo cáo kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết 57, Thường trực HĐND TPHCM cho biết: Tính đến tháng 4-2012, trên địa bàn TP có 1.427 hộ tạm cư phát sinh sau Nghị quyết 57 tại 24 dự án. UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành, quận huyện và chủ đầu tư sớm giải quyết dứt điểm các hộ tạm cư trên theo từng giai đoạn cụ thể (cuối 2012, cuối 2013 và chậm nhất là đến quý 1-2014).

Dự kiến ngày 5/10, các đại biểu HĐND TP sẽ chất vấn một số đơn vị liên quan. 
 

Lập quy hoạch theo chiều sâu

Đó là kiến nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM trong công tác khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”.

Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, khu vực nào cần kiểm soát, quản lý thì thực hiện quy hoạch kỹ lưỡng với lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, khả thi. Không làm quy hoạch theo kiểu chạy theo diện rộng, nặng về số lượng mà nên đầu tư xây dựng quy hoạch theo chiều sâu, lấy chất lượng làm đầu. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, các sở ngành chức năng phải phối hợp với chính quyền địa phương căn cứ vào định hướng phát triển đô thị của địa phương và thành phố, chọn lựa các công trình, dự án ưu tiên thực hiện, xác định nguồn vốn đầu tư, lập kế hoạch triển khai. Tất cả phải được công khai để người dân biết và giám sát. 

Liên quan đến các dự án “treo”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị, quy định về bồi thường trong khu quy hoạch nên theo hướng: chính sách bồi thường cho người dân phải đồng đều nhau, tránh tình trạng người dân nằm trong phần đất quy hoạch làm công trình công cộng như cầu, đường, cây xanh… không được đền bù như người dân nằm trong phần đất quy hoạch làm nhà ở (do các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc làm chủ đầu tư); nên ưu tiên thực hiện các dự án phát triển đô thị lớn, thích hợp để đảm bảo xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.  

(SGGP) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo