Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam Phát lộ dấu tích kiến trúc thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội

Phát lộ dấu tích kiến trúc thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội

Viết email In

"Lần đầu tiên tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực bắc Ðoan Môn và ngay lập tức dấu hiệu kiến trúc thời Lý xuất lộ đã cho thấy dáng vẻ rất hoành tráng," PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học VN) thông báo như vậy tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2012 sáng 26/12.

Kết quả khai quật được các nhà khảo cổ và sử học đánh giá là "bất ngờ, thậm chí đáng kinh ngạc". Theo GS Phan Huy Lê, hố khai quật này lần đầu tiên cho thấy diễn tiến văn hóa liên tục từ thời Lý đến thời Trần với giai đoạn thế kỷ 13 và 14, thời Lê sơ và Lê trung hưng... 

"Một đường nước chưa từng có" 

Hố khai quật rộng 500m2, sâu 4,2m, rộng nhất từ trước đến nay trong khu vực điện Kính Thiên. Hàng chục năm nghiên cứu với rất nhiều nghi vấn về dấu ấn Lý Trần ở khu vực trọng yếu này đã ít nhiều có lời giải đáp. GS Phan Huy Lê khẳng định: "Kiến trúc có quy mô lớn, rất ghê gớm, chưa từng thấy tại bất kỳ kiến trúc nào dù chúng ta chưa biết chính xác tên gọi, công năng của nó". 

Kiến trúc này bao gồm đường nước lớn xây hoàn toàn bằng gạch vuông, gạch bìa, có hai hàng cọc gỗ đóng sát hai bên phục vụ chống lún, phần cao nhất còn lại 2m, phần rộng nhất 2m. Song song với đường nước chạy theo hướng đông - tây này có dấu tích móng sành là dấu tích móng tường thời Lý rộng 1,6m. "Có thể nói đây là một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa bao giờ thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở VN" - PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định. 

Còn PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc (chủ tịch Hội Sử học Hà Nội) chia sẻ: "Ðây là một đường nước chưa từng có so với các di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu, hay ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc mà chúng tôi đã từng khảo sát". 

Tuy khẳng định được niên đại vào thời Lý nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận công năng của đường nước được xây dựng rất kỳ công này. Nhiều chuyên gia nghiêng về giả thiết đây là đường nước nhằm phục vụ việc thoát nước của khu vực quan trọng thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý. Dù vậy, cũng có ý kiến lưu ý không nên bỏ qua các giả thiết cho rằng đây là dấu tích về phong thủy của hoàng cung thời Lý hoặc thậm chí là dấu tích móng nền kiến trúc lớn của khu trung tâm thời Lý. 

Lấp hay không lấp? 

Phải mở cửa cho người dân được chiêm ngưỡng. Di sản không phải của các nhà khoa học, nhà quản lý mà là của cộng đồng, họ phải được chia sẻ lợi ích. 

- GS Phan Huy Lê 

Bảo tồn thế nào là câu hỏi lớn sau rất nhiều hưng phấn về kết quả khả quan của cuộc khai quật vừa qua. Những dấu tích móng đầm ngự đạo thời Lê, cống thoát nước thời Trần, gạch hoa lót đáy cống thời Trần và phát hiện quan trọng về đường nước thời Lý có nguy cơ bị lấp sau khi hoàn thành quá trình khai quật. Một kết cục không đành lòng đối với những người từng được chiêm ngưỡng hố khai quật phía bắc Ðoan Môn này. PGS.TS Tống Trung Tín cho biết các nhà khoa học sẽ phủ giấy Mec Nhật Bản và lần lượt lấp lại toàn bộ hố khai quật theo phương pháp khảo cổ học truyền thống để bảo vệ an toàn cho di tích.

Ông Vũ Quốc Hiền (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) khẳng định: "Cần có kế hoạch bảo quản ngay các viên gạch. Chỉ cần qua mùa xuân ẩm ướt thì rêu mốc sẽ xâm lấn và việc cạo đi sẽ rất ảnh hưởng đến hiện vật. Phải làm ngay trước tết để người dân tham quan được". Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Cường (giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho rằng: "Nếu để như hiện nay thì sẽ bị phá hủy toàn bộ, nhất là trong môi trường phát lộ. Phải tiến hành bảo quản sơ bộ. Có thể tính đến phương án lát kính để giữ lại hình ảnh khai quật như một số nước đang làm. Làm mái sợ phản cảm quá!".

GS Phan Huy Lê cũng bày tỏ sự tiếc nuối nếu hố khai quật bị lấp lại. Ông cho rằng lấp lại là hoàn toàn chưa nên, những cái đã phát lộ cần được nghiên cứu kỹ, việc nghiên cứu không kém phần quan trọng so với phát hiện. Giá trị của phát hiện sẽ bị hạn chế nếu lấp vội. Về nguyên tắc không được phá vỡ di tích nhưng ở những khu vực không quá quan trọng nên đào sâu thêm xuống tầng sinh thổ để tìm hiểu thêm những tầng văn hóa trước thời Lý.

"Phải mở cửa cho người dân được chiêm ngưỡng. Di sản không phải của các nhà khoa học, nhà quản lý mà là của cộng đồng, họ phải được chia sẻ lợi ích" - GS Phan Huy Lê khẳng định. Bên cạnh đó, GS Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội Di sản văn hóa) cũng nêu đề xuất: phải làm mái che, kết hợp với bảo quản thường xuyên, xử lý các cọc gỗ, gạch và chống úng nước để người dân có thể đến xem được.

Hà Hương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo