Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Năm 2020 Việt Nam có 36 triệu xe máy và khoảng 3,5 triệu ô tô

Năm 2020 Việt Nam có 36 triệu xe máy và khoảng 3,5 triệu ô tô

Viết email In

Thủ tướng Chính phủ ngày 25/2 đã ban hành Quyết định 356 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó sẽ kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân. 

Theo Quyết định 356, mục tiêu là đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường... 

Cụ thể theo Quyết định này đến năm 2020, định hướng phát triển phương tiện vận tải gồm ô tô các loại có khoảng 3,2 - 3,5 triệu xe, trong đó xe con 57%, xe khách 14% và xe tải 29%; hạn chế dần tiến tới không lưu hành các phương tiện xe ô tô không phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông. 

Quy hoạch mới cũng khẳng định việc hạn chế mức tăng xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước, xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải hành khách công cộng. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 36 triệu xe máy. 

Tổng hợp thông tin từ các báo cho thấy hiện nay Việt Nam có khoảng 36,5 triệu ô tô và xe mô tô các loại, trong đó có khoảng 1,5 triệu xe ô tô và khoảng 35 triệu mô tô. Hiện nay trung bình thị trường ô tô trong nước tiêu thụ khoảng 120.000 đến 150.000 xe ô tô mỗi năm. Do đó, Chiến lược đến năm 2020 đạt từ 3,2 -3,5 triệu xe ô tô là có thể đạt được. Nhưng riêng với lượng xe mô tô, hiện nay thị trường tiêu thụ mỗi năm từ 3-3,5 triệu xe/năm. Như vậy, đến năm 2020 sẽ có ít nhất khoảng 20 triệu xe mô tô nữa gia nhập lưu thông. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thị trường xe máy Việt Nam sẽ có điểm bão hòa khoảng 4,5 triệu xe/năm, trong khi tổng sản lượng theo thiết kế của các thương hiệu tại Việt Nam chuẩn bị vượt qua quá con số 5 triệu xe. Như vậy, liệu việc sản xuất và tiêu thụ xe máy hiện nay có vượt cao so với Chiến lược đề ra?

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, từ thời điểm này đến năm 2020 sẽ có nhiều dòng xe đang được lưu hành không còn được sử dụng ở thời điểm đó vì không phù hợp với điều kiện an toàn và bảo đảm không ảnh hưởng môi trường. Mặc khác, bên cạnh việc sản xuất tiêu thụ nội địa, các nhà sản xuất xe máy cũng phải tính đến việc xuất khẩu sản phẩm của mình.

Về phát triển công nghiệp giao thông vận tải, Chiến lược xác định công nghiệp tàu thủy tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu trong nước và có sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, về công nghiệp ô tô và xe máy thi công: tập trung lắp ráp chế tạo xe khách, xe ô tô buýt, xe tải nặng, xe tải nông dụng và một số chủng loại xe máy thi công đảm bảo cho nhu cầu trong nước và có sản phẩm xuất khẩu.

Chiến lược cũng đề ra là đến năm 2020 cần hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16-26%. Đối với các thành phố lớn, cần phát triển mạnh hệ thống xe buýt, nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm để đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng 25-30%. Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh kiểm soát sự phát triển của xe máy, xe ô tô cá nhân, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM. 

Quốc Hùng 

[ Download: Quyết định số 356/QĐ-TTg của Thủ tướng CP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ VN


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo