Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tin tức Việt Nam Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội: Hoàn thành xây lắp vào năm 2015

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội: Hoàn thành xây lắp vào năm 2015

Viết email In

Dự án phát triển giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), từng được đánh giá là bị chậm tiến độ.

Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo thành phố, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công đã có những bước chuyển biến tích cực. Chủ đầu tư và các nhà thầu phấn đấu hoàn thành xây lắp dự án vào giữa năm 2015.  


Hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.
(Ảnh: Viết Thành) 
 

Đường Vành đai 2: Nhiều gói thầu tăng tốc 

Dự án phát triển GTĐT Hà Nội có những hợp phần quan trọng là hợp phần xây dựng đường Vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy và hợp phần xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài khoảng 14km. Trong đó, xây dựng đường Vành đai 2 là hợp phần quan trọng nhất với việc xây dựng 6,1km đường (điểm đầu cầu Nhật Tân, điểm cuối nối với đường Láng, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy). Nói về nguyên nhân chậm tiến độ trước đây, ông Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư phát triển GTĐT Hà Nội cho biết, công trình được khởi công từ năm 2008. Tuy nhiên, do vướng mắc về GPMB nên những năm đầu hầu như không mấy tiến triển. Đến đầu năm 2012, được sự chỉ đạo, tháo gỡ quyết liệt của UBND thành phố nên chủ đầu tư và chính quyền các quận đã đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đến đầu năm 2013, công tác GPMB có những chuyển biến rõ rệt, tạo điều kiện cho nhà thầu vào thi công. Một số hạng mục quan trọng đã và đang được tập trung triển khai như xây dựng cầu vượt tại nút giao Đào Tấn; khoan thăm dò để thi công cầu vượt nút Bưởi và Cầu Giấy… 

Tại gói thầu CP4 - cầu vượt nút giao thông Đào Tấn, kỹ sư Phan Văn Lượng, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cầu 12 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1) cho biết: Công ty đã thực hiện những mũi khoan cọc nhồi đầu tiên từ đầu tháng 4/2013. Theo thiết kế, cầu vượt sẽ chạy theo hướng dọc đê Bưởi, dài 102m, rộng 21m, gồm 2 trụ, 3 nhịp và 2 mố. Đến nay đơn vị đã hoàn thành khoan hơn 50% trong tổng số 52 cọc của công trình. Gói thầu này dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2014. 

Nhiều gói thầu xây lắp khác cũng đang có sự chuyển biến tích cực. Gói thầu CP1A xây dựng đoạn Nhật Tân - Xuân La dài gần 1,8km (dự kiến hoàn thành xây lắp vào tháng 9/2013). Gói CP1B xây dựng đoạn Xuân La-Bưởi dài gần 1,6km - sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2014. Gói CP2 xây dựng nút giao thông Cầu Giấy hoàn thành xây lắp vào tháng 11/2014. Riêng gói CP3 - nút Bưởi đang phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Gói thầu này sẽ đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xong trong tháng 12/2013 và hoàn thành xây lắp trong tháng 6/2015. Trên các phần mặt bằng đã được bàn giao, các nhà thầu đang tích cực triển khai công việc. Tuy nhiên, công tác GPMB của hợp phần này vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó, trên quận Tây Hồ còn vướng 112 hộ dân liên quan đến gói thầu CP1B. Chủ đầu tư đang phối hợp cùng UBND quận Tây Hồ đẩy nhanh tiến độ. 
 

Xe buýt nhanh: Sẽ hoạt động vào năm 2015 

Hợp phần xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang chuyển biến tích cực. Hợp phần này khởi công xây dựng tháng 2/2013. Trong buổi làm việc với UBND thành phố mới đây, đại diện WB đánh giá cao và ghi nhận những chuyển biến tích cực của dự án. Đây là hợp phần được triển khai thuận lợi nhất. Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Một số hạng mục đường của xe buýt nhanh tại Ba La, Lê Văn Lương đã được thi công, Trung tâm điều hành giao thông tại bến xe Kim Mã đã được khởi công. Theo ông Lê Hồng Quang, xe buýt nhanh sẽ đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Làn đường này được phân cách bằng gờ cao 20cm. Nhà chờ được đặt trên dải phân cách giữa, ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt. Xe sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22km/h. Xe có hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố có thể phát sinh. Dự kiến tuyến này hoạt động từ đầu năm 2015.

Trong các cuộc làm việc với WB, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo luôn khẳng định: Dù còn rất nhiều khó khăn, song thành phố sẽ quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ theo tinh thần gia hạn hiệp định tín dụng mà thành phố và WB đang đàm phán, bởi đây là một trong những dự án có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm cải tạo hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông và phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng.

Đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, dự án hoàn thành sớm sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp Hà Nội đi đầu cả nước về phát triển hạ tầng giao thông. Những chuyển biến tích cực thời gian qua đã khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, để dự án có thể hoàn thành phần xây lắp vào năm 2015, thành phố cần đôn đốc các cơ quan liên quan sớm hoàn thành GPMB vào cuối năm 2014, bởi tiến độ xây lắp đang phụ thuộc rất lớn vào công tác này.

Tuấn Lương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo