Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực này cần khoảng 456.000 tỉ đồng vốn đầu tư; trong đó, khoảng 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo thông tin từ hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013” khai mạc ngày 25/11 tại Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận kết nối giữa Vĩnh Long và Tiền Giang. Các chuyên gia cho rằng phát triển hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện quan trọng giúp ĐBSCL tăng khả năng thu hút vốn FDI. (Ảnh: Trung Chánh)
Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 là một trong những sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức tại Vĩnh Long (MDEC Vĩnh Long 2013) từ ngày 25 đến 26/11. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết ĐBSCL đang có 138 dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn khoảng 456.000 tỉ đồng. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; chế biến thực phẩm; đầu tư nâng cấp, xây mới cầu đường; đầu tư vào công nghiệp, du lịch - những lĩnh vực được đánh giá là điểm nghẽn khiến kinh tế xã hội vùng ĐBSCL kém phát triển thời gian qua.
Theo ông Quang, thu hút và tận dụng được nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên sẽ là tiền đề đưa ĐBSCL phát triển mạnh về kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trong tương lai.
Dù đang cần rất nhiều vốn đầu tư để phát triển kinh tế nhưng theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội nghị này thì khả năng thu hút vốn FDI thời gian qua của ĐBSCL còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 3% so với cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013, ĐBSCL chỉ thu hút được 45 dự án vốn FDI với tổng số vốn đăng ký chỉ 269 triệu đô la Mỹ, chiếm 5,1% về số dự án và gần 3% về số vốn đăng ký so với cả nước.
Lý giải lý do khiến thu hút vốn FDI của ĐBSCL còn hạn chế, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, ngoài nguyên nhân cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ thì nguồn nhân lực yếu; dịch vụ kém, thủ tục đầu tư thiếu minh bạch; môi trường giải trí, sinh hoạt đơn điệu, buồn tẻ…, cũng là những nguyên nhân khiến vốn đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL chưa tương xứng với đóng góp của vùng.
Đô thị ĐBSCL chịu nhiều thách thứcÔ nhiễm môi trường gia tăng, biển đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tài nguyên thiên nhiên suy kiệt…, đang là những thách thức đe dọa đến sự phát triển các đô thị tại vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, vấn đề liên kết phát triển các đô thị ở khu vực này theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được đặt ra. Phát biểu tại hội thảo “Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh” được tổ chức ở Vĩnh Long ngày 25/11, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đô thị ở vùng ĐBSCL đang đứng trước rất nhiều mối đe dọa xuất phát từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường. Theo ông Nghị, nếu kịch bản dự báo biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn ra đúng như dự kiến, nước biển sẽ dâng cao 0,5-1 mét vào cuối thế kỷ 21. “Trong trường hợp xấu nhất, sẽ có 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng, trong đó, có gần ½ dân số ở các đô thị trong vùng chịu tác động bởi ngập úng”, ông cho biết. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên ở ĐBSCL, đặc biệt là ở các đô thị trong vùng đang gia tăng từng ngày. Cụ thể, chỉ riêng ở các khu vực đô thị của ĐBSCL, tổng lượng rác thải sinh hoạt thảy ra môi trường khoảng 780.000 tấn/ngày nhưng tỉ lệ thu gom xử lý chỉ mới đạt có 69%. “Đối với nước thải sinh hoạt, lượng nước thải ở các đô thị chiếm khoảng 150 triệu mét khối/năm nhưng hầu hết chưa được xử lý, chủ yếu được xả thẳng ra hệ thống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết. Theo ông Đồng, vùng ĐBSCL hiện có hàng trăm khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, số khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng đã xuống cấp chiếm đến 57% và tỉ lệ này ở các cụm công nghiệp chiếm đến 85%. Ngoài ra, nhiều đại biểu tham dự hội thảo này, cho biết suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước đang tăng mạnh do khai thác quá mức; tác động của biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ, mất đất rừng phòng hộ ở các tỉnh ven biển…, cũng là những thách thức rất lớn đối với sự phát triển đô thị vùng ĐBSCL. Trước những khó khăn, thách thức như đã nêu ở trên, việc tìm ra một giải pháp giúp các đô thị của vùng phát triển bền vững trong bối cảnh chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt là một đòi hỏi hết sức cấp thiết. Ông Trương Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị phải chú trọng sử dụng tiết kiệm và hiểu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nguồn nước, năng lượng… “Khuyến khích thay đổi mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, an toàn đối với môi trường, giữ vững hệ cân bằng sinh thái. Đặc biệt, tập trung cho phát triển công nghiệp sạch, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng/tái sản xuất”, ông cho biết. Ông Đồng cho biết cần tập trung khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị vùng ĐBSCL; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước; ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp kéo giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với phục hồi và phát triển các hệ thống sinh thái rừng ngập mặn như U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau) và vùng Đồng Tháp Mười… Ngoài ra, theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, trong quá trình thực hiện các giải pháp ứng phó cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tránh trường hợp địa phương này được bảo vệ, địa phương khác bị tác động xấu bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Hội thảo “Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh” do Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND Vĩnh Long tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2013- MDEC Vĩnh Long 2013, được tổ chức từ ngày 25 đến 26/11. |
Trung Chánh
- Chính phủ nói về “tính đúng đắn” của mở rộng Hà Nội
- Khởi động đường kết nối TPHCM với Bình Dương, Đồng Nai
- Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua
- Hà Nội: Quy hoạch phân khu đô thị GN(B) hơn 600ha tại Đông Anh
- Có hơn 60 đồ án quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội
- Đà Nẵng, Hội An đoạt giải "Phong cảnh thành phố châu Á 2013"
- Đà Nẵng hợp tác phát triển đô thị với các thành phố Nhật
- TPHCM đã có thiết kế đô thị xa lộ Hà Nội
- Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới
- Khánh thành Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước tại TP.HCM