Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tin tức Việt Nam Khởi động đường kết nối TPHCM với Bình Dương, Đồng Nai

Khởi động đường kết nối TPHCM với Bình Dương, Đồng Nai

Viết email In

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến các khoản vay cho dự án xây dựng đường vành đai 3, TPHCM. Đường vành đai này sẽ tăng tính kết nối giữa TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai. 

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ GTVT, biên bản ghi nhớ được ký kết sau buổi làm việc giữa hai bên vào chiều 29/11 tại Hà Nội bàn về các yêu cầu để xúc tiến khoản vay của ADB, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, dự toán và kế hoạch cung cấp tài chính.  


Sơ đồ đường vành đai 3, TPHCM, (đường viền đứt quãng màu đỏ ngoài cùng)
(Nguồn: Sở Giao thông Vận tải TPHCM.) 

Bộ GTVT và ADB cũng đã thảo luận và trao đổi về việc xây dựng đường vành đai 3 (TPHCM) bao gồm việc xây dựng các đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch và đoạn nối với quốc lộ 1; đoạn Bến Lức nối với quốc lộ 22 và đoạn quốc lộ 22 nối với Bình Chuẩn (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Hai bên cũng đề cập đến việc nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thầu và dự toán, phân tích kinh tế và tài chính, tuyển chọn tư vấn thực hiện dự án và tiến độ… 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, phía Việt Nam đảm bảo với ADB các cam kết phù hợp về vốn đối ứng, thiết kế kỹ thuật, kiểm toán tài chính và lập báo cáo…

Việc xây dựng đường vành đai 3 nhằm giảm ùn tắc giao thông cho TPHCM, đồng thời tăng sự kết nối với các thành phố và thị xã xung quanh của Bình Dương, Đồng Nai giảm chi phí và thời gian đi lại trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó làm mới khoảng 73km, còn đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3 km hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 55.805 tỉ đồng (không bao gồm kinh phí các cầu vượt) bằng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ và vốn vay ODA.

Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ Km 38+ 500 đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sau đó đi qua 4 tỉnh, thành phố là TPHCM (quận 9, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh); tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch); tỉnh Bình Dương (huyện Dĩ An, Thuận An); tỉnh Long An (huyện Bến Lức). Điểm cuối giao với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Tiến độ xây dựng đường vành đai 3 được phân kỳ đầu tư theo từng đoạn. Cụ thể, đoạn từ cao tốc Bến Lức - Long Thành (Nhơn Trạch) - quốc lộ 1 A (Tân Vạn) có chiều dài 26,3 km, vốn đầu tư 14.749 tỉ đồng sẽ hoàn thành trước năm 2017.

Đoạn từ quốc lộ 22 đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương dài hơn 29 km vốn đầu tư 16.375 tỉ đồng sẽ hoàn thành trước năm 2019. Đoạn cuối cùng từ Bình Chuẩn - quốc lộ 22 dài 17,5 km vốn đầu tư 9.814 tỉ đồng hoàn thành trước năm 2020./. 

Lê Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo