Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Bốn nhóm giải pháp vận động “không xả rác”

Bốn nhóm giải pháp vận động “không xả rác”

Viết email In

Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” sẽ được thực hiện trong hai năm (từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2020). Ngày 21/10/2018, toàn thành phố đã ra quân bắt đầu cuộc vận động và nhận được sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, sau gần hai tháng triển khai, sự chuyển động được ghi nhận là chưa nhiều. Với quy định phân loại rác tại nguồn, tuy nội dung rất tích cực nhưng tính khả thi còn bỏ ngỏ.


Những chỉ đạo về giữ gìn vệ sinh môi trường bộc lộ sự thiếu bền vững nên không tạo được chuyển biến căn cơ về ý thức của người dân.
(Ảnh: Lekima Hùng)

Trên thực tế, những chỉ đạo về giữ gìn vệ sinh môi trường bộc lộ sự thiếu bền vững nên không tạo được chuyển biến căn cơ về ý thức của người dân. Thực tiễn đó để lại nhiều kinh nghiệm và bài học cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các cuộc vận động.

Có thể khái quát một số mặt hạn chế. Thứ nhất, hoạt động chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn mang tính phong trào: các đợt ra quân, tuyên truyền chỉ diễn ra sau đợt phát động và nhanh chóng lắng xuống. Thứ hai, các giải pháp chưa thực sự đồng bộ, chẳng hạn kêu gọi không xả rác nhưng thiếu giải pháp chế tài, hay kêu gọi phân loại rác tại nguồn nhưng việc thu gom rác lại không phân loại... Thứ ba, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thu gom và xử lý rác còn hạn chế: thiếu thùng rác công cộng ở nhiều khu vực; các điểm tập kết rác không được che chắn kín đáo; công nghệ xử lý rác lạc hậu... Thứ tư, tuy các quy ước cộng đồng có đề cập vấn đề vệ sinh môi trường nhưng chưa có những giải pháp cụ thể để hạn chế vi phạm và cũng không được thực hiện đầy đủ nên không có tác động sâu sắc đến ý thức người dân để từ đó chuyển hóa thành hành vi.

Để cuộc vận động lần này hiệu quả hơn thì cần khắc phục những hạn chế vừa nêu, trong đó, vấn đề cốt lõi là làm sao thay đổi nhận thức nơi người dân. Tôi xin đề xuất bốn nhóm giải pháp như sau:

- Về cơ sở vật chất kỹ thuật: Xem xét, lắp đặt thùng rác phù hợp (kích thước, màu sắc, vị trí...) ở từng khu vực công cộng và tổ chức lấy rác thường xuyên. Các điểm tập kết, xử lý rác cần xa khu dân cư và được xây dựng kín đáo, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Các phương tiện thu gom rác không để rơi vãi rác hoặc rỉ nước rỉ ra đường và phải hoạt động trong các khung giờ hợp lý với từng khu vực. Từng bước áp dụng các công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại; tái chế rác thành thứ có lợi cho đời sống.

- Về công tác tuyên truyền: Cần đồng bộ và rộng rãi, phối hợp nhiều hình thức, nhiều phương tiện, chú ý các hình thức trực quan sinh động và tác động mạnh mẽ đến trẻ em để chính trẻ em trở thành nhân tố kích thích, thúc đẩy hành động tích cực của người lớn. Phải tạo thành một phong trào rộng khắp nói về vấn đề này, kể cả trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trong đó nêu các giải pháp thiết thực, các cách làm hay; phê phán các biểu hiện chưa tích cực, các hành vi chưa đẹp... Hoạt động tuyên truyền phải liên tục và từng lúc phải có điểm nhấn.

- Về pháp lý: Cần rà soát lại các quy định hiện hành về xử lý hành vi xả rác, phát huy những quy định phù hợp; thay thế, sửa đổi những quy định lạc hậu, không hợp lý. Gắn với Nghị quyết 54/2017/QH14, TPHCM nên ban hành một số quy định riêng về vấn đề này, trong đó cần tăng mức tiền phạt đối với hành vi xả rác, nhất là bỏ rác bừa bãi có tổ chức (của doanh nghiệp hoặc của đơn vị có chức năng thu gom rác), hành vi tái phạm nhiều lần...; bổ sung hình thức phạt lao động công ích, đồng thời thực hiện việc kiểm điểm, phê bình tại cộng đồng...

- Về nhân lực: Nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc của đội ngũ nhân viên vệ sinh gắn với tăng thu nhập cho họ. Xây dựng lực lượng chuyên trách xử lý vi phạm vệ sinh môi trường với hành lang pháp lý, các phương tiện, thiết bị cần thiết. Ở các địa phương, có thể xây dựng các đội tình nguyện viên làm công tác tuyên truyền, vận động người dân định kỳ làm vệ sinh trên địa bàn... Quan tâm các hình thức biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tích cực, hiệu quả.

Tóm lại, hai năm thực hiện cuộc vận động này có thể coi là một bước đệm để sau đó việc không xả rác phải trở thành ý thức thường trực và hành động thường xuyên. Bởi khi đó, cùng với việc hoàn thiện các điều kiện bổ trợ, người dân sẽ tự nhận thấy xả rác là điều không nên làm vì không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn bị thiệt hại cho cá nhân (bị phạt, bị mọi người cười chê...). Muốn vậy, trong hai năm này, các hoạt động liên quan đến cuộc vận động phải luôn trong tình trạng cao điểm chứ không theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” hay “ném đá ao bèo”!

Trịnh Minh Giang

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...