Quy hoạch chung TP Đà Lạt: Nỗi lo máy lạnh ở xứ sương mù

Thứ hai, 20 Tháng 8 2012 09:10 SGTT
In

Hội thảo “Ý tưởng quy hoạch chung cho thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức đã qua được hơn nửa tháng nhưng nhiều vấn đề được các chuyên gia nước ngoài đặt ra – dù mới chỉ là những ý tưởng phác thảo – vẫn khiến không ít người thấy lo âu, nhất là những người yêu Đà Lạt (mà những người yêu Đà Lạt trong cả nước xem ra không phải ít!)


Đà Lạt trong sương sớm.

Mô hình mà các chuyên gia Pháp và Bỉ đưa ra trong hội thảo được hình dung vào năm 2030 như sau: thành phố Đà Lạt hiện hữu với hơn 350km2 và 200.000 dân được giữ nguyên, chỉ chỉnh trang và nâng cấp có tính toán, còn sẽ phát triển rất nhiều các thành phố vệ tinh, các khu nghỉ dưỡng, các khu dân cư đô thị, các thị trấn phân tán trên một diện tích cực lớn bao trọn các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và năm xã của huyện Lâm Hà với độ lớn chừng 3.300km2 (lớn hơn diện tích Hà Nội, TP.HCM).

Đây là một vùng đô thị kết hợp lại bởi các đô thị có quy mô nhỏ chừng 1.000 – 2.000 dân, được cấu trúc với hình thái đô thị mở, phân tán và không có ranh giới cứng giữa đô thị và nông thôn, các khu dân cư, thị tứ, công trình xây dựng hoà lẫn vào trong thiên nhiên mà các chuyên gia gọi là “đô thị – phi đô thị”, “thành phố trong rừng và rừng trong thành phố” hay “đô thị làng”.

Mô hình này hiện nay rất phổ biến ở các nước châu Âu như Pháp, Áo, Bỉ, đặc biệt là ở Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển... Tuy nhiên loại đô thị này có áp dụng cho khu vực Tây Nguyên được hay không còn cần phải cân nhắc đến một loạt các yếu tố.


(nguồn: SIUP)

Không thể “nông thôn trong đô thị”

Còn nhớ vào mùa khô năm 2007 và sau đó là 2008, 2009, chuyện xảy ra ở Đà Lạt nhưng làm xôn xao cả nước là thành phố này cạn kiệt nước sinh hoạt, các hồ bị khô và các thác nổi tiếng không có nước. Cách đây gần 100 năm, các kiến trúc sư người Pháp khi quy hoạch Đà Lạt qua các thời kỳ đã cảnh báo điều này. Các ông Hébrard (1923), Pineau (1933) và Lagisquet (1943) đều nhấn mạnh rằng dân số tối đa của Đà Lạt không được quá 150.000 người bởi vì nguồn nước ngầm, nước bề mặt chi đủ cung ứng cho bấy nhiêu dân thôi, nếu quá là sẽ phát sinh những hệ quả khó lường. Lời cảnh báo này đã linh ứng vì hiện nay dân số Đà Lạt đã vượt quá 200.000 người. Vậy khi phát triển quy mô ra đến hơn 3.300km2, số lượng dân cư còn đông đúc hơn nhiều, tình hình sẽ ra sao?

Phát triển một vùng đô thị có độ phủ rộng lớn như thế, cho dù mật độ dân số thấp, dân cư sống gắn với thiên nhiên thì cũng không thể đồng nghĩa với việc duy trì hạ tầng kỹ thuật kiểu nông thôn trong đô thị. Nghĩa là sẽ không thể có cảnh người dân vẫn đeo gùi lội bộ trên mặt đường đất đỏ nhão nhoẹt, tối dùng đèn dầu leo lét và nước giếng khoan mà phải có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối, đảm bảo ở mức nhất định cho việc vận hành một thành phố như đường giao thông đa cấp, lưới điện vùng, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống truyền tải thông tin, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, ngoài ra, còn phải có hệ thống dịch vụ xã hội như bệnh viện, trường học, nhà trẻ, chợ búa, kho bãi...

Với những yêu cầu như vậy cho một thành phố rộng hơn 3.000km2, cần phải có một nguồn tài chính cực kỳ lớn mới đủ trang trải. Dù không thấy các chuyên gia nước ngoài đưa ra một con số áng chừng khi trình bày ý tưởng nhưng dứt khoát là vượt quá tầm của tỉnh Lâm Đồng, thậm chí là của quốc gia, trong khi kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật ban đầu đó chắc chắn không có chuyện thu hồi.

Mất giá khi Đà Lạt xài máy lạnh

Trong trường hợp một hệ thống giao thông phủ khắp thành phố mới, cho dù chỉ là đường giao thông cấp 2, cấp 3 thì nó cũng sẽ “góp công lớn” làm thay đổi hệ sinh thái của khu vực này từ cân bằng tự nhiên sang mất cân bằng cưỡng bức. Hệ sinh thái thống nhất sẽ bị chia cảnh thành hàng ngàn mảnh nhỏ, đường sá kiểu công nghiệp làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước mỗi khi mưa lớn khiến cho đất bị xói mòn, thảm thực vật bề mặt bị bóc, lớp đất màu bị trôi và như thế, cảnh quan sẽ bị thay đổi, nước ngầm không được bổ sung. Việc bêtông hoá bề mặt các công trình xây dựng sẽ diễn ra và như thế càng làm cho khí hậu nóng lên.

Về con người, làm thế nào để Đà Lạt có dân số cần và đủ để duy trì sự sống cho một thành phố lớn như thế trong khi nếu không có dân thì nó sẽ là những thành phố ma? Chắc chắn Đà Lạt sẽ không có kế hoạch biến hơn 400.000 dân hiện đang sống trong diện tích dự kiến 3.300km2 này thành thị dân. Vậy thì Đà Lạt phải có kế hoạch hút cư dân ở nơi khác đến với số lượng phải vài trăm ngàn người. Điều này là không tưởng, bởi lẽ Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng không nhiều thứ để hút người dân như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM. Thứ tài nguyên được coi là hấp dẫn nhất của Đà Lạt là khí hậu lạnh, cảnh quan thơ mộng. Còn tài nguyên khoáng sản để hình thành nên các khu công nghiệp tập trung thì hầu như không có. Trong khi, các yếu tố hình thành nên các ngành dịch vụ như y tế, giáo dục, tài chính thì chưa thấy.

Nhưng, giả sử dân số cơ học tăng lên đủ lấp được vùng đô thị ở mức tối thiểu do nhập cư tự do thì chắc chắn sẽ diễn ra một kịch bản y hệt như đã diễn ra ở các thành phố khác đó là phân lô bán nền, tàn phá tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Khi đó, Đà Lạt hết giá trị, sứ mệnh “Paris nhỏ” chấm dứt để biến thành một thị tứ bụi bặm, ồn ào, nóng bức như bất kỳ thị tứ hiện hữu nào khác ở Việt Nam.


Các dãy phố mặt tiền Đà Lạt cho thấy một tập hợp lô xô nhà ống đang phá hỏng cảnh quan thành phố ngàn thông. (nguồn: KT&ĐS)

Đã từng có tiếng nói chung

Năm 2003, hội Kiến trúc sư Việt Nam và hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức một hội thảo tìm kiếm ý tưởng mới cho Đà Lạt. Tại đây, các nhà khoa học dường như đã tìm ra được tiếng nói chung là không được phép làm thay đổi Đà Lạt hiện hữu nhưng cần thiết tạo ra thêm một Đà Lạt mới ở một vị trí khác để giảm tải cho Đà Lạt đồng thời giải quyết bài toán tăng trưởng, thu hút nhiều khách du lịch mà không làm tổn hại đến quỹ thiên nhiên.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã gợi ý xây dựng một thành phố mới có quy mô gần bằng Đà Lạt tại Đơn Dương. Còn tác giả bài viết này đề xuất là nên phát triển một dải đô thị kiểu cán xoong, nối từ Đà Lạt đến sân bay quốc tế Liên Khương. Có thể chưa thống nhất về địa điểm, nhưng các nhà quy hoạch nội địa khi ấy thống nhất ở chỗ nên phát triển thêm một đô thị tập trung ở quy mô trung bình cạnh Đà Lạt.

Những người tham gia trong bối cảnh này mới hiểu cách chơi chữ của GS Hoàng Đạo Kính, bậc thầy về quy hoạch luôn ủng hộ mô hình “cái bánh tiêu” chứ không ủng hộ việc biến cái bánh tiêu thành cái bánh tráng (như trường hợp của Hà Nội mở rộng), bởi vì đô thị tập trung sẽ giải quyết được một loạt các nút thắt.

Trước hết, có thể đầu tư tập trung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ cũng như hút các dự án lớn của quốc gia và quốc tế; mức đầu tư lớn và hiệu quả đầu tư cao, việc tích tụ tập trung sẽ giúp tăng trưởng nhanh, sinh lời và sẽ hút được nhà đầu tư. Thứ hai, hoàn toàn có thể kiểm soát được về môi trường, dân số và các tệ nạn xã hội; sử dụng được các công nghệ mới như tái chế, tiết kiệm năng lượng, hạn chế hiệu ứng nhà kính trong sản xuất (ví dụ trồng rau trong nhà kính) để đảm bảo giữ được môi trường tự nhiên với đặc trưng xanh, lạnh và nhiều sương khói của Đà Lạt. Thứ ba, bảo tồn tốt các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, cách thức tổ chức không gian đặc trưng của “Pháp thuộc địa” tại Đà Lạt; không làm tổn hại nhiều đến đời sống kinh tế, văn hoá, lối sống của cư dân bản địa, nhất là của các dân tộc ít người. Cuối cùng, mô hình phát triển thêm một đô thị tập trung cạnh Đà Lạt như vậy hoàn toàn phù hợp với khả năng và trình độ của bộ máy quản lý.

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM

Hiện nay, đô thị hoá ở các nước phát triển đã bão hoà, cộng thêm vào đó là khủng hoảng kinh tế thế giới, đội ngũ các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, các chuyên gia đô thị không còn nhiều việc nữa. Do vậy, họ đang tích cực vươn ra các nước đang phát triển. Ngày nào cũng có các chuyên gia nước ngoài đến các sở ban ngành của các thành phố giới thiệu, chào hàng ý tưởng mới, sáng kiến mới, thậm chí sẵn sàng biếu không ý tưởng, cung cấp chuyên gia, thiết bị, bỏ vốn ban đầu để ý tưởng thành hiện thực. Trong khi đó, tình trạng “chiến đấu” để “thăng hạng cho đô thị” diễn ra khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương trong nước. Trái tim nóng nhưng cái đầu biết lạnh trước tình thế này chính là thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo.

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: