Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức hội thảo nghiên cứu phương án phục dựng điện Kính Thiên với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, khảo cổ học, kiến trúc sư...
Để chuẩn bị cho hội thảo, trung tâm đã gửi phiếu xin ý kiến các nhà khoa học và thật ngạc nhiên, 17/20 ý kiến nhất trí nên phục dựng điện Kính Thiên, thậm chí không ít ý kiến cho rằng nên làm việc này càng sớm càng tốt, không nhất thiết có đủ căn cứ mới làm...
Chưa đủ cơ sở khoa học
Có thể nói, hội thảo chỉ như một sự gợi mở, rằng nên hay không nên phục dựng điện Kính Thiên, nhưng lại đưa ra rất ít dữ liệu để bàn bạc. Do vậy, phần lớn các ý kiến ở hội thảo đều cho thấy sự băn khoăn trước các phương án phục dựng do thiếu cơ sở khoa học.
- Ảnh bên: Di vật duy nhất còn sót lại ở điện Kính Thiên.
Theo GS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN - dấu tích chính điện Kính Thiên không nhiều và phức tạp do bị che phủ bởi các lớp vật liệu và kiến trúc hiện đại, do đó rất khó nhận biết niên đại qua các thời kỳ. Hiện tại, ở khu hậu lâu đã phát hiện một lớp phế liệu kiến trúc lớn với các viên ngói có đầu ngói trang trí hình rồng có khả năng là một loại ngói lợp điện Kính Thiên, nhưng đây vẫn chỉ là giả thiết. Còn rất nhiều bí ẩn ở dưới lòng đất khu vực này chưa được giải mã.
Còn KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL - cho biết: “Ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên đã được nêu ra, trao đổi nhiều lần và có thể khẳng định đây là thách thức với các nhà khoa học, bởi tư liệu lịch sử rất hạn chế, các dấu tích vật chất dưới lòng đất còn lại của điện không nhiều”.
Bên cạnh đó, không gian của điện Kính Thiên còn có nhà Cục Tác chiến, mang kiến trúc Pháp. Việc khôi phục điện Kính Thiên đặt ra vấn đề là có nên tháo dỡ, di dời công trình kiến trúc này hay không cũng có quan điểm trái chiều. Có nhà khoa học nói rằng cần phải trả lại không gian nơi đây theo đúng như trung tâm quyền lực thời phong kiến, nhưng có ý kiến lại cho rằng ngôi nhà của Cục Tác chiến cũng đại diện cho trung tâm quyền lực của thời kỳ cách mạng một thời, nên cần giữ.
Đại diện của UNESCO VN tại buổi hội thảo thì cho rằng, ngay từ thời điểm lập hồ sơ về khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã có sự xuất hiện của công trình Cục Tác chiến và nó là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của chuỗi liên tục là trung tâm quyền lực suốt 13 thế kỷ của di sản này. Do đó, khi tác động đến công trình này cần phải cân nhắc rất kỹ để đảm bảo tính chân xác và toàn vẹn của di sản.
Có nhất thiết phải phục dựng?
Có lẽ đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu sử học, khoa học cần đặt ra và có câu trả lời ở những hội nghị lần sau, trước khi “nghiên cứu phương án phục dựng”, bởi rõ ràng “có bột mới gột nên hồ”. Trên một cơ sở tài liệu lịch sử rất ít ỏi như vậy mà ta cứ mất thời gian để bàn xem phục dựng như thế nào thì e rằng là việc sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức mà không biết bao giờ mới có hồi kết, bao giờ di sản mới phát huy được giá trị?
Trên thế giới có không ít di sản vẫn đang tồn tại ở dạng phế tích như đấu trường La Mã (xây dựng từ những năm 70 – 72 AC); đền Parthenon ở Hy Lạp (xây dựng thế kỷ thứ 5 BC)..., nhưng hằng năm vẫn thu hút được hàng triệu khách đến tham quan mà đâu có cần làm mới, đâu cần phục dựng. Vấn đề có lẽ không phải ở chỗ chủ nhân của các di sản này không đủ điều kiện về tài, lực cũng như cơ sở khoa học để phục dựng, mà nằm trong quan điểm của họ trong cách làm “sống lại” và phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại: Thay vì khoác áo mới cho di sản, họ đã “thổi hồn” vào di sản.
Với con mắt của một chuyên gia nhân học, bảo tàng, PGS-TS Nguyễn Văn Huy - thành viên Hội đồng Di sản VN, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN - chia sẻ: “Rất, rất không nên phục dựng một cái gì đó khi không có cơ sở. Ở ta đang có phong trào phục dựng di sản (cả vật thể và phi vật thể) một cách rất thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến việc nhiều di sản sẽ bị hiểu một cách méo mó, sai lệch với lịch sử. Nhưng quan trọng là bây giờ ta chấp nhận sự méo mó ấy thì đến các thế hệ sau sẽ không nghĩ đó là sự méo mó nữa, mà coi đó là một di sản thực thụ”. Quả thực, đây là ý kiến rất đáng suy nghĩ.
Việc phục dựng nhà Thái Miếu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một ví dụ cụ thể. Khi mới phục dựng, có nhiều nhà khoa học đã chỉ ra sự không hợp lý về mặt kiến trúc, cảnh quan, lịch sử...; thế nhưng thời gian cứ thế trôi đi và mọi người đều coi kiến trúc ấy là một sự tồn tại đương nhiên trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nói rộng ra một chút, việc dựng tượng các vị liệt tổ liệt tông của quốc gia cũng nằm trong tư duy này, nghĩa là tạc “lấy được”, bất cần biết thực tế mặt mũi các “ngài” ra sao, trang phục thời ấy như thế nào. Thế mới có chuyện ở ta có bao nhiêu nơi thờ Quốc tổ thì có bấy nhiêu “ông Hùng Vương” – vì dung mạo khác nhau đã đành, trang phục cũng chả thể nói là giống nhau...
Do vậy, trong lúc điện Kính Thiên chờ “hội đủ các yếu tố về mặt pháp lý khoa học, kinh nghiệm trong nước và quốc tế thì mới phục dựng” – như GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản VN khẳng định - nên chăng chúng ta cũng phải nghĩ đến phương án khác, nhằm sớm phát huy được giá trị di sản mà không nhất thiết phải phục dựng ngay.
Trương Hoàng
- Nông thôn và vấn đề định cư
- Giá đất phù hợp thị trường là thị trường nào?
- Quy hoạch Hoàng thành Thăng Long: Không nên đào "hầm chui" qua đường Hoàng Diệu
- Quy định giá đất: không nên thị trường nửa vời
- Đất vàng không phải của riêng ai
- Thu hồi đất vì lợi ích tư nhân
- Lãng phí năng lượng và khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà
- Kiến trúc và phát triển đô thị Việt Nam, thể chế - lý luận và thực tiễn
- Quy hoạch chung TP Đà Lạt: Nỗi lo máy lạnh ở xứ sương mù
- Dự thảo Luật Thủ đô còn chưa rõ cơ chế đặc thù