Nhu cầu đào tạo những nhà bảo tồn chuyên nghiệp ngày càng trở nên bức bách.
Trước tiên, đòi hỏi về trùng tu và đầu tư cho trùng tu gia tăng gấp bội, khi công tác bảo quản cấp thiết đã dần lui vào dĩ vãng và khi đã xuất hiện những khả năng lớn gấp bội về tiền của dành cho di sản. Sau đó, bên cạnh những thành tựu trong trùng tu, ngày càng bộc lộ rõ những non yếu trong lý luận và trong thực tiễn trùng tu, dẫn tới những dự tổn thất cho di tích, gây sự bức xúc trong dư luận xã hội.
Cùng với đó, lẽ dĩ nhiên, các cuộc tranh luận giữa những người làm công tác bảo tồn di sản ngày càng nảy sinh và chẳng mấy khi đi đến ngã ngũ. Lúc này, nhu cầu về những nhà bảo tồn chuyên nghiệp, những tổ chức bảo tồn chuyên nghiệp, cần phải được ưu tiên đáp ứng.
Cụm tháp Mỹ Sơn
Di sản văn hóa vật chất của Việt Nam đặt ra 3 tình huống nan giải đối với những người đảm nhận công việc bảo tồn.
Tình huống thứ nhất, đó là các di tích ở trong tình trạng đổ nát, mà ta quen gọi là phế tích. Ví dụ điển hình là thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, là khu Lam kinh ở Thanh Hóa.
Khu di tích Văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội và lăng vua Đồng Khánh ở Huế là tình huống thứ hai, khi cơ thể hiện hữu là sự cấu thành bởi những thành phần tạo nên ở các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Tình huống thứ ba, là trường hợp điện Kính Thiên ở Hà Nội và điện Cần Chánh ở Huế, khi công trình kiến trúc đã biến hẳn trên mặt đất.
Trước cả 3 tình huống ấy, người đảm bảo công tác bảo tồn phải đưa ra những quyết định, chẳng hạn như duy trì di tích ở dạng hiện hữu hay khôi phục từng phần; giữ lại thành phần này và loại bỏ thành phần kia; phục nguyên hay dừng lại ở sự duy trì địa điểm lịch sử?
Mọi sự lựa chọn, đi kèm bởi những giải pháp, không thể không dễ dàng thực thi, không chỉ là sự tốn kém. Hệ trọng hơn, sự lựa chọn quyết định thân phận của cụ - di tích, tiếp tục tồn tại mình là mình, hay trở thành cái gì đó khang khác, thậm chí thành cái làm giả. Sự lựa chọn mang tính chất sinh tử. Để lựa chọn, để ra quyết định, chưa thể yên tâm, nếu chỉ dựa vào người cán bộ công tác lâu năm và có trách nhiệm. Chưa thể yên tâm, nếu chỉ dựa vào ý kiến số đông. Cần và phải có bộ não và bàn tay của nhà bảo tồn chuyên nghiệp, cần và phải có bộ não và kinh nghiệm của những người tham gia hội đồng tư vấn.
Những người đáp ứng những đòi hỏi như thế, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đang thiếu một cách nghiêm trọng.
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, 18 Hoàng Diệu (Hà Nội)
Bảo tồn và trùng tu di tích văn hóa nói chung và di tích kiến trúc nói riêng, dựa trên 3 lĩnh vực khoa học và thực tiễn, đó là lịch sử và khảo cổ học, văn hóa và mỹ thuật, kiến trúc và kỹ thuật xây dựng.
Di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, với sự can thiệp trong sự kết hợp của 3 đầu vào nêu trên, cấu thành bộ môn bảo tồn, hết sức đặc thù. Đặc thù bởi sự kết hợp trong nó những tri thức văn hóa tổng hợp và chuyên sâu hóa, đặc trưng bởi những hoạt động tác nghiệp luôn luôn bị chi phối và bắt buộc dựa vào những căn cứ khoa học.
Bảo tồn, từ chủ trương, đến giải pháp, đến thực thi, đều có một xuất phát điểm: Ứng xử văn hóa. Di tích chỉ được hưởng sự ứng xử văn hóa, hễ những người chăm sóc cuộc đời chúng, sức khỏe chúng, là những người làm chủ nhuần nhuyễn tri thức khoa học xã hội – nhân văn, phương pháp luận tư duy của nhà khảo cổ học, sự thận trọng và bàn tay khéo léo của nhà phẫu thuật.
Từ đó, dạy và học bảo tồn di sản văn hóa, cô đọng trong đúc kết sau: Phương pháp luận bảo tồn và kỹ năng bảo tồn.
Nhà quản lý bảo tồn di tích, chuyên viên kỹ thuật xây dựng dự án và vận hành thực thi dự án, nghệ nhân và người thợ, ở mức độ khác nhau, đều phải hoặc tư duy cơ sở phương pháp luận bảo tồn, hoặc hành động trên cơ sở nhận thức rõ bản chất của bảo tồn.
Phố cổ Hội An
Nên đưa ra phương châm nào cho công tác đào tạo các nhà bảo tồn chuyên nghiệp?
Thực tiễn công tác bảo tồn di sản văn hóa, không chỉ ở nước ta, cho thấy tính hạn chế của việc tổ chức đào tạo trong khuôn khổ trường đại học các cử nhân, các kiến trúc sư về bảo tồn và bảo tàng. Trải qua một chương trình đào tạo theo những bộ môn ôm đồm như vậy, người ra trường sẽ khó khăn trong tác nghiệp, bởi họ được học rất nhiều môn hoàn toàn khác biệt nhau, mà không tài nào tiêu hóa và càng không tài nào vận dụng vào công việc.
Đào tạo nhà bảo tồn chuyên nghiệp thật sự “vào việc” và thật sự khả thi chỉ có thể trên cơ sở thích ứng và chuyên sâu hóa những người đã được đào tạo theo các ngành nghề khác nhau, cần cho công tác bảo tồn di tích. Đó có thể là nhà sử học, khảo cổ học, họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà vật lý, cử nhân hóa học hoặc hóa sinh v.v... Họ, có những kiến thức được học trong trường đại học chuyên ngành và rất cần cho bảo tồn di tích, sẽ được đào tạo thích ứng, chuyên sâu hóa vào lĩnh vực bảo tồn và trùng tu, từ lý thuyết đến thực hành. Từ đó, họ sẽ trở thành nhà khảo cổ, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà vật lý, nhà hóa học v.v... chuyên gia bảo tồn và trùng tu.
Cái đích lý tưởng, khi kiến trúc sư am tường khảo cổ học, khi nhà khảo cổ học am tường kiến trúc. Các trường hợp khác cũng tương tự. Nhà kỹ thuật biết tư duy bởi những phạm trù khoa học xã hội và nhân văn. Nhà quản lý biết dựa hẳn vào văn hóa để ứng xử văn hóa với di sản.
Với những nghệ nhân, người thợ, cũng tương tự. Họ cần được tái đào tạo để làm thợ xây, làm thợ hồ, thợ khảm nạo theo đòi hỏi và bài bản trùng tu phục chế kỹ thuật và mỹ thuật xưa, chứ không phải làm mới, dù tài hoa.
Nên chủ trương tổ chức đào tạo theo phương thức chuyên môn hóa và thích ứng, với các chương trình được soạn thảo bởi những chuyên gia bảo tồn đích thực và với những lớp ngắn hạn. Đào tạo và nâng cấp kiến thức, tay nghề ngay trong thực tế công tác.
Bởi sao chúng ta chưa tổ chức việc xem xét và bình chọn những dự án, những di tích được trùng tu có chất lượng khoa học và thẩm mỹ. Bởi sao chúng ta chưa nhận ra và vinh danh kết hợp với việc sử dụng tích cực những nhà bảo tồn và trùng tu giỏi, những nghệ nhân và thợ giỏi. Bởi sao chúng ta chưa khẳng định những tập thể nào, những công ty nào là những cơ sở đích thực chuyên nghiệp trong bảo tồn và trùng tu di tích. Phải có người mang thương hiệu, tổ chức mang thương hiệu, thì bảo tồn mới thực sự chuyên nghiệp hóa, và di sản mới có cơ may được bảo tồn. Những hình thức thúc đẩy hoạt động bảo tồn ấy về bản chất cũng là đào tạo.
Thành Nội, Huế
Trọng tâm của đào tạo về bảo tồn di sản nên là: Phương pháp luận bảo tồn và kỹ năng bảo tồn.
Trong nội hàm trang bị tri thức bảo tồn học, phương pháp luận bảo tồn, có việc chuyển giao những kiến thức khoa học lịch sử, khảo cổ học và văn hóa (theo khí niệm mở rộng) đã thích ứng vào bảo tồn di sản; lý luận và nghiệp vụ của công tác bảo tồn và trùng tu di tích.
Trong nội hàm kỹ năng bảo tồn di sản, nên chuyển giao những kiến thức cụ thể và cơ bản về khảo sát và đánh giá, xây dựng hồ sơ khoa học, lựa chọn và căn cứ hóa các giải pháp, thực hiện hồ sơ thiết kế v.v...
Người thày phải là những nhà chuyên môn có kinh nghiệm lâu năm từ thực tế, trong nước và quốc tế. Các thày giáo được mời tham gia giảng dạy từ các nước sẽ không chỉ truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm đa dạng do họ tích lũy, mà còn tạo ra cơ hội để thúc đẩy và hâm nóng những cuộc chia xẻ và tranh luận họ thuật. Chúng ta rất cần sự trao đổi mở về các cục diện lý luận và kỹ năng bảo tồn di tích.
Về phương diện quốc tế hóa công tác đào tạo chuyên gia bảo tồn, những sáng kiến và hoạt động thực tế của các học giả - nhà sư phạm Nhật Bản, đặc biệt từ Trường Đại học Waseda, rất có tác dụng và cần phải được hưởng ứng. Chúng tôi cho rằng họ đã có sự lựa chọn sâu sa trong thiện chí giúp đỡ Việt Nam,- việc đào tạo các nhà chuyên môn.
Chúng tôi suy nghĩ, lấy địa phương nào để đào tạo những nhà chuyên môn về bảo tồn di sản. Tiêu chí có thể là: Nơi có sự tập trung nhiều hơn cả di tích. Nơi có nhu cầu và có đầu tư lớn hơn cả cho di sản. Nơi đặt nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn hơn cả trong bảo tồn và trùng tu. Nơi có sức thu hút hơn cả các nhà chuyên môn – thầy dạy.
Và, đương nhiên, chọn thành phố Huế là phù hợp hơn cả với những tiêu chí ấy.
Huế sẽ là một hiện trường di sản, một tài nguyên dĩ vãng, một labô, để đào tạo các nhà bảo tồn chuyên nghiệp cho cả nước. Hơn thế nữa, là nơi đào tạo những nhà chuyên môn về thiết kế kiến trúc phong cảnh, thiết kế đô thị sinh thái.
Hy vọng, sự lựa chọn ưu tiên công tác đào tạo nhân lực cho bảo tồn di sản văn hóa và sự dành ưu tiên cho Huế trong đào tạo là chính xác.
(Huế, tháng 8/2012)
GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia
- Thu hồi đất vì lợi ích tư nhân
- Lãng phí năng lượng và khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà
- Kiến trúc và phát triển đô thị Việt Nam, thể chế - lý luận và thực tiễn
- Quy hoạch chung TP Đà Lạt: Nỗi lo máy lạnh ở xứ sương mù
- Dự thảo Luật Thủ đô còn chưa rõ cơ chế đặc thù
- Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Tạo vốn từ... đất
- Tính thực tế và tính khả thi của Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt
- Quy hoạch không gian ngầm tại TPHCM: Vẫn chưa có lời giải
- Những “nguyên tắc vàng” trong thu hồi đất
- Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL: Chú trọng vai trò liên kết vùng