Như đã đặt vấn đề trong bài “Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ”, cả 5 lưu vực kênh, rạch chính của thành phố đều liên thông với nhau. Do vậy, nếu không được cải tạo, chỉnh trang cùng lúc cả 5 lưu vực thì tình hình ô nhiễm môi trường, ngập lụt ở 5 lưu vực này cũng như với toàn bộ nội thành của TPHCM sẽ không được giải quyết căn cơ. Tuy nhiên, đây là bài toán khó đối với thành phố vì nguồn kinh phí cho công tác này không hề nhỏ. Sau khi bài báo đăng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, quản lý và các chuyên gia về vấn đề này.
Dòng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đen và ô nhiễm (Ảnh: Kim Ngân)
TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Đất ven kênh là đất “vàng”
Hãy cứ nhìn những khu đất nằm dọc bên bờ hai con kênh đã được cải tạo, chỉnh trang: Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé, rõ ràng chúng rất đẹp. Về mặt kiến trúc, đây là những không gian mở, thoáng đãng với cảnh sông nước rất hấp dẫn. Về mặt môi trường, sự thoáng đãng với làn nước kênh xanh mát sẽ là môi trường sống lý tưởng cho người dân. Với những khu đất đẹp như thế, tại sao TPHCM không khai thác để tạo ra những giá trị kinh tế đặc biệt để phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng? Tất nhiên, hiện nay đa phần các khu đất dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé đã được giao sử dụng ổn định, việc tiếp tục khai thác để sinh lời chung cho cả cộng đồng là rất khó. Tuy nhiên, đối với 3 lưu vực còn lại: kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Đôi - kênh Tẻ, thành phố hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc tạo quỹ đất để sau này khai thác, ngay trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng.
Quỹ đất này, TPHCM có thể khai thác bằng cách đưa ra đấu giá và dùng lợi nhuận thu được để trả nợ vay đầu tư cho công tác chỉnh trang và cải tạo ngay chính 3 lưu vực nêu trên hoặc phục vụ cho những lợi ích cộng đồng khác. Muốn làm được vậy, ngay bây giờ TPHCM và các quận, huyện nơi có các con kênh này đi qua phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch và đưa mục tiêu tạo quỹ đất vào trong các đồ án quy hoạch để có kế hoạch giữ đất. Hiện nay, kinh tế khó khăn, thị trường địa ốc ảm đạm, có thể chưa có nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào các khu đất này. Thế nhưng, khi kinh tế phục hồi, mọi việc sẽ khác. Các khu đất ven kênh với những ưu điểm như đã phân tích sẽ luôn là các khu đất hấp dẫn các nhà đầu tư. Hơn thế nữa, nếu tạo được quỹ đất, không những thành phố tạo được nguồn thu từ đất mà việc chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển các dự án lớn còn giúp thành phố thay đổi đồng bộ, hiện đại hơn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM: Nạo vét kênh kết hợp chỉnh trang đô thị
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về việc nghiên cứu lập dự án cải tạo lưu vực kênh Đôi – kênh Tẻ, Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM đang thống kê hiện trạng và tìm kiếm các ý tưởng phát triển cho tương lai. Bước đầu, qua khảo sát thực tế cũng như tham khảo ý kiến của các địa phương, chúng tôi thấy nhà dân ở khu vực này phần lớn bám theo hai bờ kênh, thậm chí lấn ra kênh và được xây dựng bằng nhiều vật liệu không kiên cố, khá lụp xụp. Do vậy, chắc chắn việc cải tạo kênh không thể tách rời công tác chỉnh trang đô thị. Công tác chỉnh trang đô thị có thể thực hiện theo hướng làm cao tầng, một mặt giải quyết tái định cư tại chỗ cho người dân, phần dư ra có thể đưa ra kinh doanh để tạo vốn cho việc cải tạo kênh.
TS Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Ban Điều hành chương trình chống ngập thuộc Trung tâm Chống ngập TPHCM: Huy động sức dân
Vừa qua, Ban điều hành Chương trình chống ngập thuộc Trung tâm Chống ngập TPHCM có làm một cuộc điều tra đối với 1.200 hộ dân thuộc các vùng bị ngập nước, bị ô nhiễm môi trường của thành phố. Kết quả, 80% số hộ dân cho biết sẵn sàng góp chi phí giải quyết tình trạng ngập nước và ô nhiễm môi trường với ngành chức năng trong điều kiện ngành chức năng phải công khai, minh bạch. Điều này cho thấy thành phố có thể dựa một phần vào sức dân trong việc cải thiện môi trường và chống ngập cho 3 lưu vực còn lại.
Hiện nay, thành phố mới thu phí xử lý nước thải thông qua giá nước sạch với mức cứ thu 1 đồng nước sạch mới tính vào trong đó 10 xu nước thải. Nếu làm cho người dân hiểu, người dân ủng hộ, thành phố có thể nâng mức thu lên. Bên cạnh giải pháp này, ở các khu vực dân cư mới hoặc ở các khu dân cư cũ nhưng được chỉnh trang theo hướng giải tỏa toàn khu và xây dựng mới lại, thành phố có thể nghiên cứu giải pháp buộc chủ đầu tư các khu này phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ cho toàn khu thay vì trông chờ vào sự đầu tư của ngân sách.
Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM: Hạn chế vứt rác xuống kênh, rạch
TPHCM vừa chi hàng ngàn tỷ đồng để nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vậy mà đi dọc con kênh này trong những ngày đầu tháng 8-2012, tôi vẫn thấy rác nổi lềnh bềnh trên kênh. Tôi nghĩ, TPHCM phải đồng thời tiến hành hai công việc. Một là bảo vệ, không cho xả rác bừa bãi xuống hai lưu vực mà thành phố vừa đầu tư rất lớn để làm sạch là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé. Hai là tìm vốn cho việc nạo vét 3 lưu vực còn lại. Trước mắt, nếu chưa thu xếp được vốn thì cũng nên có giải pháp hạn chế tình trạng xả rác xuống kênh.
Nguồn ô nhiễm chủ yếu của hệ thống kênh rạch thành phố là nước thải của các hộ dân, của các nhà máy xí nghiệp chưa qua xử lý, đổ thẳng ra và rác ném xuống. Muốn xử lý nước thải thì phải trông chờ vào những dự án cải thiện môi trường lớn mà trong đó phải có hệ thống cống thu nước thải đưa về nhà máy xử lý. Thế nhưng, để ngăn chặn rác thải vứt xuống thì đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần nhà nước xử lý nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi và vận động người dân không vứt rác xuống kênh, rạch.
Nguyễn Khoa
- Lãng phí năng lượng và khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà
- Kiến trúc và phát triển đô thị Việt Nam, thể chế - lý luận và thực tiễn
- Quy hoạch chung TP Đà Lạt: Nỗi lo máy lạnh ở xứ sương mù
- Dự thảo Luật Thủ đô còn chưa rõ cơ chế đặc thù
- Đào tạo những Nhà bảo tồn chuyên nghiệp cho Di sản văn hóa
- Tính thực tế và tính khả thi của Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt
- Quy hoạch không gian ngầm tại TPHCM: Vẫn chưa có lời giải
- Những “nguyên tắc vàng” trong thu hồi đất
- Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL: Chú trọng vai trò liên kết vùng
- Quy hoạch giao thông cần phải song hành cùng đô thị