Đó là chủ đề của Hội nghị Hội đồng Kiến trúc mở rộng tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội.
Các vấn đề “nóng”
Làm thế nào để đổi mới, tăng tính hiệu quả của công tác nghiên cứu lý luận, phê bình và phản biện kiến trúc? Vấn đề thể chế hành nghề kiến trúc sư (KTS)? Luật KTS (hay Luật Kiến trúc) đang được Nhà nước và Bộ Xây dựng quan tâm, tổ chức nghiên cứu với sự tham gia của các hội nghề nghiệp đang được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để cải thiện và mở ra thời kỳ đổi mới cho kiến trúc, hành nghề của KTS, của bản quyền tác giả kiến trúc, quyền lợi và trách nhiệm của KTS trước xã hội và đất nước…
Một vấn đề khác cũng được Hội đồng tập trung đề cập là đào tạo KTS. Hiện nay cả nước ta đã có 22 cơ sở đào tạo KTS nhưng chất lượng đào tạo chưa đi đôi với số lượng, chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập.
Đặc biệt, đối với vấn đề phát triển đô thị và quản lý đô thị, Hội đồng đề cập đến nhiều câu chuyện thời sự hiện nay như nhiều địa phương có chủ trương đưa vùng tỉnh lên đô thị loại I hay xu hướng mở rộng quy mô đất đai, phát triển đô thị theo chiều rộng hoặc việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung tại các đô thị…
Đô thị phát triển theo chiều rộng
Liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã nêu lại đánh giá nhận xét của Ngân hàng Thế giới: “Việt Nam chú trọng phát triển đô thị theo chiều rộng” và dẫn chứng: “Trong 15 năm phát triển đô thị, dự kiến diện tích đô thị tăng gấp 4, trong khi dân số đô thị tăng gấp 2”.
Hơn thế, như Hội đồng Kiến trúc đã đề cập, ở Việt Nam đang xuất hiện xu hướng đưa cả tỉnh thành TP. “Nhưng dù cả tỉnh phát triển thành TP thì khu vực đô thị vẫn phải là đô thị, nông thôn vẫn là nông thôn, nếu không Việt Nam sẽ mất văn hoá truyền thống. Người ta nói làng Quan họ chứ không nói, TP, thị xã Quan họ”- ông Liêm nói.
Đề cập đến phong trào các địa phương “Thích Tây làm quy hoạch đô thị”, ông Liêm nhận định: “Tư vấn nước ngoài tham gia thiết kế kiến trúc còn được nhưng quy hoạch hơi khó”. Tuy nhiên, sau đó ông Liêm cũng lý giải phần nào tâm lý “sính ngoại” của các địa phương: “Người ta đi thuê nước ngoài không phải là không có cơ sở. Vì tư vấn trong nước làm không bao lâu đã lạc hậu, phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không nói là làm lại quy hoạch”. Do vậy, Hội cần tham gia đào tạo lại những người đang làm quy hoạch, KTS thiết kế để họ trở thành các KTS chuyên nghiệp. Ở các nước, KTS, kỹ sư chuyên nghiệp luôn phải học, cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định luật pháp (vốn luôn được phát triển), cập nhật công nghệ nếu không học KTS, KS không làm nghề được. Còn cơ quan chức năng thì định kỳ xét lại, cấp lại giấy phép hành nghề.
Đô thị sẽ phát triển theo quy hoạch và kế hoạch
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn phân tích những tồn tại của nền kiến trúc nước nhà, của quá trình phát triển đô thị. Theo đó, chất lượng đô thị còn thấp. đô thị còn chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Việc nâng cấp đô thị, lẽ ra lấy chất lượng đô thị làm chính thì chủ yếu lại gắn với mở rộng quy mô. Vì vậy, có những đô thị phạm vi lớn nhưng bên trong chưa hoàn chỉnh, thiếu những công trình dịch vụ công cộng quan trọng và cần thiết. Công tác phát triển nhà ở mới chú trọng phát triển nhà ở mà chưa quan tâm nhiều đến nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo ở nông thôn và thành thị. Hướng đi của kiến trúc Việt Nam chưa rõ, lúng túng trong việc kết hợp tính dân tộc và hiện đại trong các công trình…
Nguyên nhân của các tồn tại nêu trên là hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý phát triển đô thị còn thiếu, không đồng bộ, khập khiễng. Công tác quy hoạch dù rất được quan tâm nhưng chất lượng còn thấp, chậm và chạy theo phong trào. Đội ngũ làm quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác thiết kế đô thị ít được quan tâm; Công tác quản lý đô thị yếu, thiếu kế hoạch; Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình kiến trúc chưa được quan tâm đúng mức; Đội ngũ cán bộ ngành Xây dựng, trong đó có KTS còn mỏng, không đồng đều, thiếu các KTS chuyên nghiệp…
Bộ trưởng ủng hộ quan điểm của các đại biểu về nâng cao chất lượng đào tạo KTS, đào tạo KTS chuyên nghiệp; tăng cường nghiên cứu lý luận, phê bình kiến trúc…
Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc tăng cường hợp tác trong môi trường hội nhập thế giới là cần thiết. Những gì Việt Nam chưa làm được phải thuê và hợp tác nước ngoài để học hỏi. Nhưng cái gì cũng thuê nước ngoài là không được, Bộ Xây dựng không đồng tình việc sao chép thiết kế, tư tưởng nước ngoài một cách phong trào, không chọn lọc.
Trong thời gian tới, quá trình đô thị hóa còn diễn ra nhanh hơn. Để bảo đảm phát triển hệ thống đô thị hài hoà, bền vững, nhiệm vụ của người làm công tác xây dựng, trong đó có các KTS rất nặng nề. Về phía Bộ Xây dựng, sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị và nhà ở. Đối với Luật Kiến trúc (hoặc Luật KTS), Bộ chủ trì soạn thảo nhưng không thể thiếu vai trò tham gia của các hội nghề nghiệp trong đó có Hội KTS Việt Nam. Hiện tại, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định đầu tư phát triển đô thị. Nghị định được nghiên cứu một cách toàn diện, vừa hướng dẫn các luật đã ban hành, vừa bổ sung những điều mà các luật chưa đề cập, điều chỉnh các nghị định cũ... Nghị định sẽ lập lại trật tự trong phát triển đô thị, khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Từ đây, đô thị sẽ được phát triển theo quy hoạch và kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, khai thác tài nguyên đất không hiệu quả. Bộ cũng xây dựng các nghị định trong lĩnh vực phát triển nhà ở theo hướng đặc biệt quan tâm đến nhà ở xã hội…
Tiểu Vũ
- Quy định giá đất: không nên thị trường nửa vời
- Đất vàng không phải của riêng ai
- Phải sớm phục dựng điện Kính Thiên
- Thu hồi đất vì lợi ích tư nhân
- Lãng phí năng lượng và khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà
- Quy hoạch chung TP Đà Lạt: Nỗi lo máy lạnh ở xứ sương mù
- Dự thảo Luật Thủ đô còn chưa rõ cơ chế đặc thù
- Đào tạo những Nhà bảo tồn chuyên nghiệp cho Di sản văn hóa
- Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Tạo vốn từ... đất
- Tính thực tế và tính khả thi của Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt