Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Tính thực tế và tính khả thi của Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt

Tính thực tế và tính khả thi của Ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt

Viết email In

LTS: Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Tìm ý tưởng cho quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050" với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu về kiến trúc, quy hoạch của Việt Nam và một số nước như Pháp, Mỹ, Anh, Bỉ, Canada... 15 tham luận khoa học được các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày tại hội thảo đã thu hút được sự quan tâm thảo luận đặc biệt của các đại biểu với những ý tưởng sáng tạo và có tính khả thi cao. Ashui.com trân trọng giới thiệu với bạn đọc ý kiến tại hội thảo của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: 


Ana Mandara Villas Đà Lạt Resort & Spa

Chúng tôi cho rằng thái độ tích cực và xây dựng đối với Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt là sự trao đổi mở những điều phân vân, nảy sinh khi đọc bản dự thảo “Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt” và, cùng với đó, là sự gợi ý bổ sung cho những ý tưởng nêu ra trong tài liệu này.

Chúng tôi mong các nhà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt, các đồng nghiệp đảm trách việc khởi thảo bản “Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt” tiếp nhận thiện chí của người viết những dòng này đối với công cuộc phát triển thành phố Đà Lạt. Những điều phân vân, phần nào mang tính chất phản biện, một khi được giải tỏa bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn, hy vọng sẽ góp phần nho nhỏ củng cố cái nền tảng của những ý tưởng. Cái cốt yếu là chúng phải mang tính thực tế và từ đó mang tính khả thi, dù là quy hoạch đến năm 2030 (17 năm), dù là đến năm 2050 (37 năm). Bởi cả hai thời hạn ấy đều đang ở ngay phía trước.

1.

Trước hết, xin nêu một vài phân vân:

a) Các lý do dẫn tới việc mở rộng thành phố Đà Lạt ra 3 huyện và một phần huyện Lâm Hà, được đưa ra chưa đủ và thiếu sức thuyết phục. Hẳn đã có những căn cứ xác đáng được trình để Chính phủ đưa ra quyết định mở rộng thành phố gấp nhiều lần. Một khi những căn cứ ấy được dẫn ra, ta sẽ có sự đón nhận thuận chiều hơn, tránh bớt sự phản biện của các chuyên gia.

Chúng tôi cho rằng khu trung tâm lõi của thành phố đã bị chất tải, dồn nén quá độ do sự phát triển trong mấy thập kỷ qua. Hễ không chuyển tải sang những địa điểm nào khác, thì Đà Lạt sẽ đứng trước nguy cơ đánh mất diện mạo và tính chất đô thị vốn có, trở thành một thành phố thông thường.

  • Ảnh bên: Sơ đồ Định hướng phát triển không gian (nguồn: SIUP) 

Chúng tôi cũng cho rằng sự phát triển dân số, các cơ sở hành chính – sự nghiệp – kinh tế cũng tạo nên sự quá tải đối với diện tích và không gian đô thị hiện hữu. Mọi sự chất tải tiếp theo, không thể nào ngăn chặn, sẽ dẫn tới việc tạo nên hội chứng tồi tệ, - Đà Lạt đánh mất lợi thế và sức hấp dẫn về du lịch nghỉ dưỡng, trở thành một nơi không khác gì mấy các đô thị khác.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần nghĩ và tính toán thêm. Đó là:

Nếu lấy ngành du lịch – nghĩ dưỡng làm động lực phát triển chính, thì sự phát triển về phương diện này ở Đà Lạt trong vài thập niên qua cho thấy, tuy số lượng khách du lịch hàng năm gia tăng đáng kể, song các dự án đầu tư lớn cho ngành này hầu như ít chuyển động. Thấy rõ điều này qua các khu tập trung các dự án lớn và siêu lớn, như hồ Tuyền Lâm, Đan Kia – Suối vàng. Đầu tư cho phát triển du lịch về cơ bản là nhỏ, như việc mở rộng khai thác những điểm tham quan du lịch vốn có, như việc xây cất mới vô số các khách sạn nhỏ. Các khu du lịch, khu resorts quy mô lớn, chiếm dụng không gian đất đai lớn, hầu như chưa hình thành.

Trong khi đó, làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho lĩnh vực này và cho nền kinh tế nói chung, xem ra đã thoái trào. Hy vọng về những dự án đồ sộ, như đã từng được hứa, là khá mỏng manh. Huy động nội lực cho những chương trình phát triển bước ngoặt, cả về hạ tầng, cả về bành trướng đô thị, cả về phát triển vùng v...v...xem ra khó khả thi.

Chúng tôi có dịp đọc và góp ý cho các Nhiệm vụ Quy hoạch chung của các địa phương, thì nhận ra một điều: Các kế hoạch được vạch ra cực kỳ tham vọng cùng đầu tư cực kỳ lớn, song nguồn đầu tư hầu như lại trông chờ vào nội lực. Cũng xin nói thêm, những địa phương ấy đều đưa mục tiêu trong vài năm tới phải trở thành đô thị loại 1, đô thị trực thuộc trung ương, phải trở thành trung tâm trọng điểm kinh tế vùng, trung tâm du lịch quốc tế v.v... Các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, hẳn sẽ có lúc tập hợp tất cả những quy hoạch vĩ mô của các địa phương, hẳn sẽ nhận ra: chúng hầu như giống nhau và đặc biệt giống nhau ở sự trông chờ những nguồn và dòng đầu tư lớn không từ địa phương mình. Giống nhau, có lẽ, ở sự chưa làm rõ, chưa cân nhắc đủ, những động lực thực tế, tại chỗ và hiện hữu, cần chọn làm yếu tố xúc tác phát triển.

Xin nhắc lời các cụ ta, tuy có thể lạc hậu: “Tùy cơm gắp mắm”. Đất nước ta quả phát triển nhanh và mạnh, song xem chừng trong vài thập kỷ tới vẫn nên tâm niệm những chữ không bay bổng mà thiết thực ấy.

b) Phân vân lớn thứ 2 của chúng tôi là ở chỗ: Mở rộng lãnh thổ thành phố và đô thị hóa là để đáp ứng các yêu cầu lớn về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó kinh tế du lịch nghỉ dưỡng là chủ đạo. Tuy nhiên, trong cục diện này nảy sinh hai mâu thuẫn:
    - mâu thuẫn giữa đô thị hóa và môi trường sinh thái tự nhiên;
    - mâu thuẫn giữa đô thị hóa và du lịch nghỉ dưỡng, dựa trên tài nguyên sinh thái tự nhiên.

Thứ nhất, đô thị hóa một vùng lãnh thổ rộng lớn, bằng thành phố Hà Nội mở rộng vào năm 2008, không thể không dẫn tới việc can thiệp mạnh và sâu vào môi trường tự nhiên, như việc mở ra các trục đường lớn, các xa lộ, như việc chiếm dụng đất (dễ dàng hơn hẳn hiện nay) để mở rộng các cấu trúc đô thị hiện hữu, để thiết lập các đô thị, các khu xây dựng mới phục vụ các hoạt động du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ cao.

Dù ta có nương nhẹ, dù ta có tiết kiệm đất đai và tài nguyên đến thế nào đi chăng nữa, thì không thể nào mà không gây ra những sự biến đổi toàn diện và sâu sắc thiên nhiên. Không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, khi tài nguyên núi rừng – khí hậu bị đụng chạm sâu sa, gây tác động dây chuyền.

Thứ hai, đô thị hóa rộng khắp và theo những cách làm phổ biến thì không thể không tác động tiêu cực đến du lịch – nghỉ dưỡng, bởi du lịch nghĩ dưỡng ở Đà Lạt – Lâm Đồng chủ yếu và chỉ có thể xuất phát, dựa vào tài nguyên núi rừng và khí hậu, hãy còn bị biến đổi ít. Du lịch Quảng Ninh dựa vào vịnh Hạ Long, du lịch Thừa Thiên – Huế dựa vào di sản. Cả 3 địa phương này đều như nhau phải duy trì cho được những tài nguyên chủ đạo vô song của mình.

Hình như chưa ai thực hiện sự đánh giá các tác động của phát triển thành phố trong vài thập niên qua tới chất lượng và sức hút của du lịch Đà Lạt? Trên thực tế, chúng ta chưa khắc phục nạn ô nhiễm và xuống cấp môi trường ngay trên phạm vi 300 km2 Đà Lạt hiện tại, chỉ bằng 1/10 Đà Lạt quy hoạch.

c) Một phân vân thứ 3, liên quan đến việc chọn cho Đà Lạt tương lai một tính chất đô thị đích thực phù hợp. Đà Lạt đô thị loại 1 trực thuộc trung ương? Đô thị đặc thù có tầm cỡ quốc tế? Đô thị trung tâm kinh tế quốc gia về du lịch nghỉ dưỡng sinh thái? Đô thị trung tâm giao thương giữa các vùng kinh tế. Đầu mối giao thông quan trọng? v.v...

Chúng tôi ít hiểu về quản lý đô thị từ phương diện Nhà nước. Song ở các nước, các đô thị thường xác lập vị trí của mình trong quá trình lịch sử. Chính sự phát triển tự thân chúng định đoạt vị trí và vị thế mà chúng xứng đáng. Không thấy ở đâu đó có sự nhấn mạnh khái niệm “trực thuộc tỉnh” hay “trực thuộc trung ương”. Chưa rõ, vì sao ở ta nhất loạt các thành phố - thủ phủ của tỉnh kiến nghị mở rộng lãnh thổ, thậm chí ra cả tỉnh, để trực thuộc trung ương.

Thành phố Đà Lạt hiện nay và thành phố Đà Lạt mai sau, đương nhiên là một trung tâm hành chính, một trung tâm kinh tế - khoa học và đào tạo – công nghệ cao và nông nghiệp phát triển cao. Song, trên tất cả, Đà Lạt phải mãi mãi là, nhất thiết là, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng thuộc nhóm lớn nhất nước, thuộc nhóm lớn nhất khu vực (khó có thể đối với các khu vực khác trên thế giới). Trước tiên, bởi Lâm Đồng sở hữu cả một vùng rộng lớn, đặc sắc bởi tài nguyên thiên nhiên và khí hậu. Bởi Đà Lạt là một ốc đảo vĩ đại của độ mát, độ dịu, độ dễ chịu trên toàn cõi Việt Nam và hiếm hoi ở toàn khu vực sát đường xích đạo với khí hậu nóng - ẩm, bão táp úng lụt bất thường. Hơn thế nữa bởi Đà Lạt đã có thương hiệu bền vững. Thương hiệu ấy chỉ giữ lại được, khi nó có sự phát triển tiếp nối, liền mạch, sang các vùng đất lân cận. Độ rộng của vùng đất mở rộng ấy phải tương xứng với cái lõi cũ, với Đà Lạt lừng danh từ thuở nào. Hễ ngược lại, thì sẽ xảy ra hiện tượng, tương tự như ta đem cán cái bánh đúc thành cái bánh tráng.

2.

Một vài gợi ý bổ sung cho Nhiệm vụ Quy hoạch Đà Lạt:

a) Đà Lạt có giá trị nổi trội không chỉ bởi Quỹ kiến trúc, gồm các thể loại công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Đà Lạt có giá trị là một trong 2 đô thị ở nước ta (cùng với Huế) có đủ cơ sở để liệt vào diện “đô thị - di sản”. Cho đến hôm nay Đà lạt vẫn còn là một đô thị trọn vẹn về phương diện hình thái, kiến trúc, cảnh quan, sự hòa quyện về thời gian và không gian, sự sống chung giữa kiến trúc đô thị và thiên nhiên. Đà Lạt về tổng thể chưa bị xộc xệch như nhiều thành phố khác ở ta. Giá trị về phương diện đô thị, vì vậy rất to lớn và rất đặc sắc.

b) Trong tình hình kinh tế - xã hội hiện tại và trong thời gian tới, có lẽ chưa có cơ sở để dự liệu sự phát triển đột biến nhảy vọt, như đã từng diễn ra trong ngót hai chục năm qua. Các chủ trương và quy hoạch xây dựng, vì thế mà sẽ có nhiều sự hiệu chỉnh. Nên chăng, quy hoạch thì cứ quy hoạch, song sự chiếm dụng đất đai, sự đụng chạm đến thiên nhiên, thì nên theo nhu cầu thực tế, tính tới việc để giành cho những kế hoạch lớn mai sau, cho con cháu. Quy hoạch định hướng là cần thiết, song thực thi những sự “định hướng” vào thực địa, là dễ sa vào những sai lầm không thể sửa.

c) Chúng tôi cho rằng nên biến Đà Lạt mở rộng (không đến mức hơn 3000 km2) thành một vùng đô thị du lịch nghỉ dưỡng, với hạt nhân là thành phố Đà Lạt để bảo lưu những giá trị độc nhất vô nhị hiện hữu, với hệ thống các đô thị nhỏ - resorts vệ tinh lồng ghép khéo léo vào thiên nhiên. Nếu chỉ giới hạn trong việc mở rộng và đô thị hóa các thị xã, thị trấn thì Đà Lạt sẽ không thể là mình nữa.

Chọn du lịch nghỉ dưỡng dựa trên tài nguyên thiên nhiên độc hiếm làm hướng phát triển kinh tế chủ đạo, từ đó kiến tạo bản sắc và sức hút cùng sức cạnh tranh, Đà Lạt sẽ trở thành vùng hoặc trung tâm du lịch nghỉ dưỡng số 1 ở cả khu vực Đông Nam Á. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng./.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo