Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL: Chú trọng vai trò liên kết vùng

Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL: Chú trọng vai trò liên kết vùng

Viết email In

Nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất lớn nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, cân đối nguồn lực chỉ đáp ứng 30%. Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông phục vụ kinh tế - xã hội cho vựa lúa, tôm, cá, trái cây ĐBSCL trong thời gian tới được xác định là ưu tiên giải pháp liên kết vùng.

Nhu cầu lớn, nguồn lực hạn hẹp

Theo đánh giá của Bộ GTVT, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL những năm qua đã được tập trung đầu tư, đưa vào hoạt động là động lực lớn để ĐBSCL có bước phát triển đột phá. Nhiều trục quốc lộ đã và đang được nâng cấp; nhiều công trình lớn đã hoàn thành như: cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, mở rộng QL1 đoạn Trung Lương - Cần Thơ, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được đưa vào khai thác. Đặc biệt, một số công trình hoàn thành trước tiến độ: như cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cầu Hàm Luông...

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, sau khi có Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, nguyên nhân vì sao ĐBSCL chậm phát triển được “bắt mạch” có lý do hạ tầng giao thông yếu kém. Đặc biệt là trong 3-4 năm qua, nếu hạ tầng giao thông toàn vùng ĐBSCL không được ưu tiên thì không thể có những kết quả phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ như hiện nay...

  • Ảnh bên: Thông thoáng đường mới Nam sông Hậu.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng một số công trình quan trọng mang tính chất động lực phát triển vùng bị chậm tiến độ như: tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối 2 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, đường Hồ Chí Minh nối dài tới Đất Mũi... Tại Cần Thơ, nhiều dự án liên quan bị ngừng trệ như nâng cấp QL 91, tuyến đường Quang Trung - Cái Cui, việc nạo vét luồng Định An cho tàu biển ra vào cảng Cần Thơ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của TP trung tâm. Vì vậy, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng với nhu cầu phát huy hết thế mạnh của vùng.

Để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, ngày 28/4/2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 638/QĐ-TTg về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cho vùng. Theo đó, giai đoạn 2012-2015 có 56 dự án do Trung ương quản lý với tổng nguồn vốn hơn 94.300 tỷ đồng và 131 dự án của địa phương quản lý với tổng nhu cầu vốn đến năm 2015 là 69.521 tỷ đồng (chưa kể 25 dự án của tỉnh Kiên Giang do chưa có báo cáo).

Theo Bộ GTVT, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định 638, do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đầu tư công tiếp tục được thắt chặt để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT càng hạn hẹp. Nguồn ngân sách nhà nước hàng năm như hiện nay chỉ đủ cân đối vốn đối ứng cho các dự án ODA, không còn vốn để triển khai các dự án khác. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu... Do vậy, vốn chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành năm 2012, 2013. Một số dự án đang triển khai dở dang phải đình hoãn đến sau năm 2015...

Ưu tiên liên kết vùng

Trước tình hình đó, để đảm bảo đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, trên cơ sở nhu cầu và khả năng huy động nguồn lực, Bộ GTVT kiến nghị phải xác định danh mục theo thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm có tính chất động lực thúc đẩy phát triển vùng. Các dự án còn lại tùy thuộc vào điều kiện nguồn lực của đất nước giai đoạn sau 2015 sẽ được xem xét để đầu tư cho phù hợp.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang nhận định: Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở ĐBSCL thì địa phương nào cũng lớn. Nhưng trong điều kiện hiện nay, vấn đề quan trọng là tập trung ưu tiên cho các công trình có nhu cầu bức thiết, mang tính đột phá, gắn kết trong tương quan phát triển vùng.

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết: Việc hoàn thành sân bay quốc tế Cần Thơ cả vùng đều mừng, nhưng đến nay mới chỉ bay được Cần Thơ - Hà Nội, mà lại bằng máy bay Fokker nên nhiều người cũng ngại đi. Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT xem xét khai thác hợp lý sân bay quốc tế Cần Thơ, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.

Vấn đề khó khăn nhất bây giờ là nguồn vốn. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho rằng: “Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ cho phép ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 để thực hiện những dự án cấp bách và hoàn tất trong năm 2012. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu các địa phương chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì rất khó, mà cần linh hoạt huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư cho giao thông”.

Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 638/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Bộ GTVT cần phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương rà soát, sắp xếp các công trình, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án mang tính kết nối vùng; thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL. Đồng thời phải tìm giải pháp huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL”.

Phó Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như: BT, BOT, đặc biệt là hình thức đối tác công - tư PPP. Trước mắt, Bộ GTVT sớm cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương chọn lựa từ 1 đến 2 dự án đối tác công-tư PPP để thực hiện thí điểm.

Bình Đại


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo