Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Dự thảo Luật Thủ đô còn chưa rõ cơ chế đặc thù

Dự thảo Luật Thủ đô còn chưa rõ cơ chế đặc thù

Viết email In

Được chuẩn bị từ năm 2009 với hàng loạt chế định xác lập “cơ chế đặc quyền”, dự thảo Luật Thủ đô từng gây tranh luận, phản ứng gay gắt từ nhiều phía. Sự thiếu rõ ràng và không tách bạch được cơ chế đặc thù… khiến dự luật bị QH khóa XII bác không thông qua.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Thủ đô mới trình UBTVQH hôm qua 17/8 vẫn được đánh giá là nặng quản lý đô thị, cơ chế đặc thù của thủ đô - điều được coi là hồn cốt của luật vẫn còn thiếu rõ ràng.

Thủ đô Hà Nội phải khác đô thị khác

Dự thảo luật lần này gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô. Trong đó ban soạn thảo dành tới 16 điều (từ điều 9 đến điều 24) quy định về các chính sách, cơ chế quan trọng, đặc thù cho thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực như quy hoạch, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, qua thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Pháp luật QH cho rằng một số quy định trong dự thảo luật vẫn còn quá chung, chưa mang tính chất của quy phạm pháp luật; một số cơ chế, chính sách được đề ra nhưng cũng chỉ dừng lại ở quy định mang tính nguyên tắc mà chưa quy định rõ chính sách, chế độ, định mức cụ thể.

Phân tích về cơ chế đặc thù của thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng 16 điều được coi là cơ chế đặc thù để phát triển thủ đô trong dự thảo luật lần này “vẫn là quản lý đô thị, chưa có gì đặc thù”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “Đô thị có thể giống nhau, nhưng thủ đô chỉ có một. Đã là luật riêng cho thủ đô thì phải có đặc thù, yêu cầu thủ đô Hà Nội phải khác đô thị khác, nếu không thì chờ Luật Đô thị, Luật Đất đai hoặc áp dụng Pháp lệnh Phí và lệ phí đã được QH thông qua”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội chỉ rõ các chính sách đặc thù được liệt kê nhiều nhưng thiên về xây dựng cơ sở hạ tầng. “Thiếu cơ chế đặc thù cho một thủ đô, chưa phát triển văn hóa thủ đô…” - bà Mai nhấn mạnh.

Siết chặt quản lý nhập cư

Theo báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Thủ đô của Bộ Tư pháp thì về mặt lợi ích, dự thảo luật đưa ra định hướng chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến kiểm soát nhập cư, cải thiện môi trường, giảm thiểu ách tắc giao thông. Các biện pháp này sẽ mang lại lợi ích phát triển kinh tế lâu dài cho thủ đô, tăng uy tín của chính quyền và hình ảnh của thành phố Hà Nội, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư và du lịch, cải thiện hệ thống giao thông và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân; tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển cũng như quản lý, xứng đáng là thủ đô của cả nước.

So với dự thảo luật trình Quốc hội khóa XII, dự thảo lần này giữ nguyên quy định một số điều kiện chặt chẽ hơn để người tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành, đồng thời thu hẹp phạm vi được xử lý hành chính cao hơn, dự thảo lần này chỉ đề xuất phạt cao hơn khu vực khác trên 3 lĩnh vực, gồm văn hóa, đất đai, xây dựng (thay vì trong lĩnh vực như trước đây).

Đa số ý kiến thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành quan điểm quy định về điều kiện đăng ký thường trú của công dân ở nội thành Hà Nội, bởi thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải dân cư, tạo nên những áp lực về giao thông, điều kiện học tập, chỗ ở, y tế, việc làm…, dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đáp ứng được, nên cần sớm có biện pháp cụ thể quản lý dân cư tại nội thành nhằm hạn chế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở khu vực này.

Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật cho rằng cùng với quy định này của dự thảo luật, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành; giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành... thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Cho phép thu phí cao gấp 2 lần so với quy định

Một trong những vấn đề được quan tâm khi ban hành Luật Thủ đô đó là việc quy định mức thu một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thủ đô, trong đó có nhiều ý kiến tán thành với nội dung thể hiện tại điểm b, khoản 3, Điều 23 của dự thảo luật, cho phép HĐND thành phố Hà Nội được “Quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông”.

Việc chỉ cho thu quá quy định ở hai lĩnh vực trên bởi lẽ đây chính là những lĩnh vực gây bức xúc cho người dân, đồng thời do quá tải về cơ sở hạ tầng nên cần phải quy định mức phí, lệ phí cao hơn để tái đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.

Ngoài ra, quy định này cũng nhằm khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và bảo vệ môi trường trên địa bàn thủ đô bởi trên thực tế, việc đặt ra phí, lệ phí là vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của công dân, do vậy chỉ nên thực hiện trong trường hợp thật cần thiết và với mục đích rõ ràng, phù hợp thì mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Về việc thu mức phạt vi phạm hành chính cao hơn khu vực ngoại thành ở 3 lĩnh vực văn hóa, môi trường, đất đai, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6.2012) cũng cho phép các thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có Hà Nội áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng không có ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.

Trên thực tế, các vấn đề phát sinh trong ba lĩnh vực này không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội, mà là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mà chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện pháp luật. Do đó, Uỷ ban Pháp luật lưu ý nếu đưa nội dung này vào Luật Thủ đô thì cần có sự phân tích, lý giải một cách thuyết phục.

Phi Long


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo