Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Kỳ vọng các Dự án Luật năm 2024 - “Sức bật mới” thúc đẩy Thủ đô phát triển

Kỳ vọng các Dự án Luật năm 2024 - “Sức bật mới” thúc đẩy Thủ đô phát triển

Viết email In

Với hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra “sức bật mới” thúc đẩy Thủ đô Hà Nội phát triển…

Nhằm hiện thực hóa yêu cầu mới về phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Thủ đô.


Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội
(Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Theo đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều).

Nội dung của Dự thảo Luật (sửa đổi) đã thể hiện tính bao trùm, tổng thể của một văn bản pháp lý ở bước ngoặt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, như về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Dự thảo Luật Thủ đô tăng phân cấp, phân quyền cho UBND TP. Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh)… hay giao UBND Thành phố thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.

Đặc biệt Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đặt ra nhiều vấn đề khi sửa đổi Luật như quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô; phát triển giao thông công cộng (TOD), đi cùng với đó là phát triển không gian ngầm, không gian xanh và không gian giao thông và quy định về trọng dụng nhân tài, trong chiến lược phát triển Thủ đô;...

Với hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra “sức bật mới” thúc đẩy Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.


(Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Nhìn nhận về việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này, TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong đặc thù rất riêng của Hà Nội, Thủ đô của nhiều nước chỉ là trung tâm chính trị, hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng Thủ đô Hà Nội của chúng ta vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa. Với Luật Thủ đô lần này chúng ta hay nói là Luật Thủ đô (sửa đổi), nhưng với chuyên môn cá nhân, tôi cho rằng, có thể được nói đây là Luật “mới”. Bởi, có một chế định mà Pháp lệnh Thủ đô 2000 và Luật Thủ đô 2012 chưa đề cập đến, nhưng Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã đưa vào, đó là quy định về việc tổ chức chính quyền tại TP. Hà Nội.

Từ đó, TS Bích kỳ vọng, nhiều quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trình Quốc hội, nếu Quốc hội thông qua, mặc dù nó chỉ là quy định nội dung trong Luật Thủ đô, dành riêng cho Thủ đô Hà Nội, nhưng nếu khi đi vào thực hiện mà có những tác động rất lớn, nó thể làm thay đổi tư duy của Quốc hội, các cấp chính quyền, thay đổi tư duy của người dân nữa thì sẽ trở thành những quy định chung của cả nước...

Còn theo Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - Lê Trung Hiếu, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một cơ hội lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.

Ông Hiếu cho rằng, trong 9 nhóm chính sách quan trọng của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáng chú ý nhất phải kể đến là nhóm chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; cho phép thực hiện các hình thức khác quy định hiện hành như đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), mô hình giao thông công cộng (TOD)...; quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiểm soát; phân quyền mạnh mẽ về quyết định đầu tư cho Thành phố; các quy định thu hút nhà đầu tư chiến lược và các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư...

Đánh giá cao Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các tiếp cận có tính hệ thống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam kỳ vọng, các cơ chế, giải pháp chính sách đưa ra trong Luật Thủ đô lần này sẽ thực sự tạo ra các bước chuyển có tính đột phá để đánh thức tiềm năng của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế nhằm xây dựng Thủ đô thành thành phố kết nối toàn cầu, có có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Được biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được đưa ra xem xét, lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, dự kiến tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Gia Nguyễn 

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo