Sau thời cao điểm sốt đất khắp nơi, nhiều người đầu tư bất động sản lâm vào cảnh khó thở.
Nhớ lại, vào “thời hoàng kim ngắn ngủi” cách đây ba năm, có khi trong một ngày, thậm chí là chỉ vài giờ đồng hồ, người khéo nắm bắt cơ hội làm ăn có thể “lướt sóng” được một dự án bỏ túi rủng rỉnh hàng tỉ đồng, thì một năm qua, cũng con người đó lại phải lạm dụng thuốc an thần để có một giấc ngủ bình thường.
Trên các trang quảng cáo bất động sản xuất hiện từ “đất ngộp”.
“Đất ngộp Cam Lâm”, “đất ngộp Bảo Lộc”, “đất ngộp Đắk Nông”, “biệt thự ngộp Đà Lạt”… xuất hiện nhan nhản, tuột giá theo từng ngày, từng giờ. Những nơi hôm qua còn nằm trên bản đồ sốt đất, nay “ngộp toàn tập” vì nhiều nhà đầu tư không đủ sức gồng gánh lãi suất ngân hàng, vì độ đóng băng thị trường đất kéo dài quá lâu.
Cái “ngộp toàn tập” của đất khiến nhiều nhà đầu tư không đủ sức gồng gánh lãi suất ngân hàng, vì độ đóng băng thị trường đất kéo dài quá lâu. (Ảnh: H.P)
Nếu thường đi lại trên tuyến Bảo Lộc – Đà Lạt, một dạo có thể thấy không khí rộn ràng, tưng bừng khởi sắc. Các showroom xe mọc lên đông đúc người ra kẻ vào. Đi một chút vào trung tâm, có thể nhận ra xe biển số ngoại tỉnh đến giao dịch đất đai. Hang cùng ngõ hẻm, dân bán được đất sắm xe xây nhà. Nay cũng trên những con đường đó, các công ty bất động sản rao bán “đất ngộp” từ các dự án phân lô bán nền vào thời đìu hiu, những con đường xe hơi xếp hàng dài treo bảng bán, hàng quán quay về “thời xa vắng” đầy âu lo.
Là người cả nghĩ, bạn có mảy may tự hỏi, những nơi qua một cơn sốt đất bất thường từng khiến cho con người “điên đảo quơ cào”, anh em dòng họ kéo nhau ra tòa, bạn bè bạc bẽo tuyệt tình với nhau chốc lát, thì nay đất đã nguội, lô nọ lô kia đã “ngộp”, chẳng biết họ đã kịp hàn gắn mọi rạn nứt, liền sẹo những tổn thương hay chưa? Hay vẫn cùng nhau “ngộp” trong nguội lạnh?
Cái sự “ngộp” của đất mở rộng ra biết bao cái “ngộp” khác, trong thời buổi khó khăn. Một hôm, bạn nói bạn muốn sang doanh nghiệp vì doanh số sụt giảm thậm tệ và không biết khi nào tình trạng này mới kết thúc để nuôi hy vọng phục hồi. Bạn nhắn cho những đồng nghiệp – là những chàng trai, cô gái tuổi hai mươi ba mươi vài năm trước hăm hở startup – tâm sự và kêu gọi bạn bè góp vốn, hoặc mua lại doanh nghiệp mà bạn đã nhiều năm gầy dựng. Lập tức, trong nhóm chat, bạn chỉ nhận được những cú “thả tim” ngầm ý chia sẻ, phải lâu lắm mới có người nhắn riêng cho bạn hay một sự thật mà bạn phải đối diện: “Tình hình ngộp là ngộp chung, ai mà dám chơi lớn vào lúc này?”.
Không ai dám chơi lớn. Làm ăn rón rén, chia sẻ rón rén, và giải thích với bạn bè đồng nghiệp cũng tế nhị rón rén như vậy để tránh bị diễn giải sai ý. Thời buổi nhạy cảm hết biết là cũng bởi thời tiết thị trường. Thời tiết thị trường như vầy, sự ngộp có thể xảy ra với bất kỳ ai, không nên quá chủ quan và manh động, không ai đi dạy bảo ai được lúc này.
Từ “ngộp” được gắn vào nhiều lĩnh vực, để diễn tả một cuộc suy thoái trên biểu đồ kinh tế toàn cầu đang diễn ra và len lỏi, tác động vào mọi ngõ ngách của đời sống.
“Nông sản ngộp”, nói về tình trạng nông sản gặp trục trặc đầu ra hay mất giá phải bán đổ bán tháo. “Sách ngộp”, để nói tình trạng sách in ra ngày càng ít người mua đọc do phải tính toán chi li bài toán tiêu dùng thiết yếu trong thời khó khăn, khiến cuối năm nhà nhà đổ sách bán xả kho, có nơi cân ký như bán giấy vụn. “Chứng khoán ngộp” do các yếu tố rủi ro xảy đến liên hồi khiến các chỉ số “down” khó kiểm soát.
Rồi đến lúc chuyển giao năm cũ sang năm mới, lại sinh ra một trận “ngộp vàng”: dân ôm vàng là mới hôm qua khấp khởi vui vì biết bắt đáy tích trữ đón bão giá, chỉ sau một đêm bỗng thấy mình trở về vạch xuất phát cũ, thậm chí còn thấp hơn cũ…
Dao dộng giá cả thị trường theo lối cực đoan, bất định khiến hàn thử biểu tâm lý con người cũng dao động ở một biên độ lớn. Sau cái sự “ngộp” của đất, nhà, vàng, cổ phiếu, hàng hóa nói chung đã kéo theo cái “ngộp tâm lý”. Rồi cái “ngộp tâm lý”, tới lượt nó, được dán vào, định danh cho hàng hóa để sinh ra những khái niệm mới, những hoán dụ phổ quát về một thời kỳ. Nhìn vào vỏ ngôn từ, những sự “ngộp” được đưa ra trong các mẩu tin quảng cáo bán đất, bán nhà trả nợ, sale hết cỡ, siêu sale (thậm chí có nơi còn mạnh dạn đưa lên slogan nghe kêu một cách… thê thảm: “sale hủy diệt”)… là một sự mất cân bằng trong đời sống xã hội thương mại tiêu dùng, một sự vận hành chống lại đà tuột dốc của doanh số và sự vùng vẫy cứu vãn tâm lý nhằm tránh một “cơn ngộp tập thể” trong tâm thế sống.
Bạn bảo, ông kia làm công ăn lương, đừng có nói chuyện ra vẻ cao đạo rằng phải chọn lựa thế nào để “con người kinh tế đang lên bờ xuống ruộng” không áp đảo con người nhân văn bình thản tự tại. Nếu biết vậy thì ai cũng là thiền sư rồi, phải không? Và bạn bảo, khi bạn ngộp bạn phải biết mình đang ngộp, ông thầy chữa lành dạy như vậy. Điều mà bạn học được trong một khóa thực tập cân bằng ngắn ngày cũng là điều ai cũng biết nhưng mọi người cứ phải xếp hàng đi học.
Chuyện gì đến đã đến, làm sao ngăn được mũi tên hướng lên hay chúi xuống trong sơ đồ tăng trưởng khi điều đó liên đới sâu xa với một thế giới bất định. Còn con người là còn tất cả, trong khủng hoảng, bạn chỉ biết nói với tôi như vậy. Vấn đề còn lại là làm sao giữ cho tâm trí và những giá trị căn bản làm nên cuộc sống thực sự đừng có bị “ngộp” như những thứ “ngộp” vật chất mà ta đang tưởng mình cầm nắm được.
Bạn liệu mà thở ổn, đừng có “ngộp” lúc này, bạn nói.
Nguyễn An Nam
(KTSG Online)
- Tư duy ngược để biến nguy thành cơ
- Nhạt nhòa những viên ngọc trời ban
- Bờ Đông thành phố chuyển mình
- Kiến tạo những dấu ấn trên sông Hồng
- Khơi thông nguồn lực đất đai
- Từ việc nhìn lại mô hình thành phố trong thành phố
- Luật Đất đai và chuyện Nhà nước kiến tạo hay "làm thuê"
- Vì sao dự án công trình điện lực triển khai chậm tiến độ?
- Đúng thiết kế nhưng không an toàn thì vẫn phải sửa
- Kỳ vọng các Dự án Luật năm 2024 - “Sức bật mới” thúc đẩy Thủ đô phát triển