Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex) và công ty con là Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex đã nâng sở hữu tại Tổng công ty Viglacera lên 50,2%, qua đó trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này.
Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) thông báo đã trở thành công ty mẹ của Tổng Công ty Viglacera sau khi cùng nhóm cổ đông và công ty con nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp này lên mức 50,21%, tương đương 225,1 triệu cổ phiếu VGC.
Trước đó, Gelex đã mua thành công 18,57 triệu cổ phiếu VGC trong thời gian từ 8/3 đến 6/4/2021, trong khi đăng ký mua tới 22,5 triệu cổ phiếu. Lý do Gelex không thể mua hết số cổ phiếu như dự định là không tìm được người bán.
Hiện ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Gelex hiện cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viglacera.
Với việc Viglacera trở thành công ty con của Gelex, báo cáo tài chính của Viglacera sẽ được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Gelex từ quý 2-2021.
Về tình hình kinh doanh, Viglacera cho biết doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý 1-2021 đạt 36% kế hoạch năm, còn lợi nhuận công ty mẹ đạt 43% kế hoạch năm và bằng 259% kế hoạch quý, dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lý giải điều này, Viglacera cho rằng kết quả kinh doanh của lĩnh vực bất động sản đạt và vượt cao so với kế hoạch quý đã giúp doanh nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra. Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hợp đồng bất động sản được chuyển tiếp từ năm 2020 và đón nhận thêm các hợp đồng mới trong quý 1-2021.
Về định hướng kinh doanh năm 2021, Viglacera đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 12.000 tỉ đồng, tăng 27% so với số thực hiện năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp là 1.000 tỉ đồng, tăng 19%.
Với công ty mẹ, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu là 5.000 tỉ đồng tăng 17%. Còn lợi nhuận trước thuế là 750 tỉ đồng, tăng 2%.
Tỷ lệ cổ tức kế hoạch 2021 là 12%, tăng so với mức 11% thực hiện năm 2020.
Doanh nghiệp dự kiến đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng, gồm 2.400 tỉ đồng cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp; 375 tỉ đồng cho lĩnh vực kinh doanh nhà trong khi đầu tư cho lĩnh vực vật liệu; 25 tỉ đồng cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đào tạo.
Với lĩnh vực khu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ cho các khu công nghiệp gồm Hải Yên (182,4 ha), Đông Mai (160 ha); Phú Hà giai đoạn 1 (356 ha); Tiền Hải (294 ha); Đồng Văn IV giai đoạn 1 và 2 (300 ha); Yên Phong IIC (221 ha); Yên Phong mở rộng (314 ha); Phong Điền (284 ha); Yên Mỹ (280 ha).
Ngoài ra, Viglacera cũng chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Thuận Thành I với diện tích gần 250 ha tại Bắc Ninh và khảo sát nhiều khu công nghiệp khác.
Với bất động sản khu đô thị, nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng, Viglacera tiếp tục phát triển dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, khu công nghiệp Đồng Văn IV, Phú Hà; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh; dự án tổ hợp văn phòng thương mại, khách sạn, nhà ở Thăng Long No.1 giai đoạn 3 (Hà Nội).
Mục tiêu của doanh nghiệp là có hơn 20 khu công nghiệp, trong đó có hơn 10 khu công nghiệp mới với tổng diện tích tăng thêm từ 2.000-3.000 ha tính tới năm 2025.
Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, doanh nghiệp triển khai công tác chuẩn bị cho dự án nhà máy gạch Viglacera Eurotile với công suất 9 triệu mét khối một năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời nghiên cứu sản phẩm kính cao cấp, kính siêu trắng và đầu tư mỏ nguyên liệu phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Với hoạt động quản trị và tái cơ cấu, Viglacera sẽ thoái vốn các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả trong lĩnh vực gạch ngói và đất sét nung.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng vốn cho Viglacera Tiên Sơn, Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera, Công ty phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ, Viglacera Hải Vân để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.
Vân Phong
(TBKTSG)
- Giá thép tăng “sốc”, nhiều dự án bất động sản ngưng thi công
- Ngành Vật liệu xây dựng vượt khó thời Covid-19
- Thụy Sỹ tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất gỗ Việt Nam
- Nghịch cảnh nhà thầu xây dựng "khóc ròng", giá cổ phiếu thép tăng vọt
- Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất sang Mỹ
- Khi Việt Nam thành nước công nghiệp, tiêu thụ thép phải đạt 700kg/người/năm
- Thị trường vật liệu xây dựng: Kỳ vọng cuối năm sẽ khởi sắc
- Trước mắt doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cao su dạng tấm vẫn áp mức thuế 0%
- Thị trường xi măng: Gạn đục khơi trong
- Cần chiến lược tổng thể, dài hạn cho chống phòng vệ thương mại thép