Xuất khẩu sắt thép năm 2021 mang về 11,79 tỉ đô la Mỹ, tăng 124,3% so với năm trước đó, một con số kỷ lục về xuất khẩu mặt hàng này từ trước đến nay của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho rằng năm 2021 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sắt thép các loại lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu tấn/năm và trị giá vượt 10 tỉ đô la.
Cụ thể trong năm vừa qua, lượng sắt thép xuất khẩu đạt hơn 13 triệu tấn với tổng giá trị đạt 11,79 tỉ đô la, thứ tự tăng 32,9% và tăng 124,3% so với năm 2020.
Kết quả giá trị xuất khẩu thép tăng cao đột biến, theo cơ quan hải quan là do giá xuất khẩu sắt thép các loại trong năm 2021 tăng 68,8% so với năm trước đó, tương ứng tăng 367 đô la/tấn.
Xuất khẩu sắt thép Việt Nam tăng mạnh trong năm 2021. (Ảnh minh họa: TL)
Trong khi xuất khẩu tăng cao thì nhập khẩu nhóm hàng sắt thép các loại trong năm qua của Việt Nam là 12,31 triệu tấn, giảm 7,1% so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên khối lượng xuất khẩu sắt thép các loại cao hơn so với khối lượng nhập khẩu.
Trong giai đoạn 2011-2020, trung bình chênh lệch khối lượng giữa xuất khẩu sắt thép và nhập khẩu sắt thép là 9 triệu tấn/năm, đặc biệt năm 2016 chênh lệch lên đến 16 triệu tấn.
Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy xuất khẩu sắt thép của Việt Nam còn nhiều hơn, đạt hơn 14 triệu tấn (gồm thép thành phẩm và bán thành phẩm), tương ứng khoảng 12,7 tỉ đô la. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.
Lãnh đạo VSA cho rằng năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu. Thị trường thép toàn cầu cũng đã trải qua những thay đổi khi Trung Quốc điều chỉnh các yêu cầu đối với nguyên liệu thô, đồng thời thực hiện các bước cắt giảm sản lượng trong khi các nhà sản xuất thép toàn cầu phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Thị trường thép trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng lớn nhất Đông Nam Á.
Đánh giá về triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này cho rằng sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19 xuyên suốt.
Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022 gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Lê Hoàng
(KTSG Online)
- Khó khăn bủa vây con đường trở thành trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu thế giới
- Gỗ và sản phẩm gỗ mang về 12,4 tỉ đô la ngoại tệ trong 9 tháng
- Ngành sắt thép Việt Nam tận dụng cơ hội từ thách thức
- Cần chiến lược phát triển dài hạn cho ngành đồ gỗ
- Giá thép tăng sốc
- Doanh nghiệp đồ gỗ đua đơn hàng cuối năm
- Xuất khẩu đồ gỗ vẫn tăng, lạc quan với mục tiêu năm nay
- Ngành Thép những tháng cuối năm 2021: Dự báo tăng trưởng tốt
- Báo cáo cập nhật thị trường “Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu hết 8 tháng đầu năm 2021”
- Thách thức giữ ngôi á quân của ngành xuất khẩu nội thất