
Giao thông là trụ cột của nền kinh tế
Nhìn lại chặng đường phát triển, từ những vùng đầm lầy, hoang hóa, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hàng nghìn con đường, cây cầu, đại lộ, cảng biển… với hơn 5.000 km đường giao thông phục vụ giao thương đi lại và vận tải hàng hóa; khẳng định quan điểm mang tính chiến lược của chính quyền thành phố “giao thông là trụ cột của nền kinh tế”.
Biến đầm lầy thành đại lộ
Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Bé (70 tuổi) vẫn nhớ như in ngày đại lộ Nguyễn Văn Linh được khánh thành vào năm 2007. Từ một vùng bưng biền, lau sậy, ít người qua lại nay đã thành đại lộ sáng đèn ngày đêm, xe cộ tấp nập. Ông Bé kể, lúc đó gia đình ông ở xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, chỉ mong có đường để thuận tiện đi lại, buôn bán. Được biết, thành phố chuẩn bị làm đường trên vùng đất bùn nhão ông Bé khấp khởi mong chờ. Khi có đường thông thương, ai nấy đều vui mừng, đời sống đổi thay, kinh tế phát triển…
Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận chia sẻ, muốn có đường thì phải khai phá những rặng đước, đầm lầy, nhưng vốn ở đâu, làm sao để có tiền là điều không dễ dàng. Rồi những cuộc tranh luận “nảy lửa”, từ phương án lộ giới, thi công trên nền đất yếu, đến hiệu quả đầu tư được đưa ra bàn bạc, cân nhắc. Mấu chốt cần hóa giải chính là cơ chế “đổi đất lấy công trình” giữa thành phố và nhà đầu tư cuối cùng đã được thống nhất.
Tháng 12/1996, sau khi chính quyền thành phố thông qua chủ trương, cùng với nguồn vốn rót vào từ nhà đầu tư nước ngoài, công trình tuyến đường bắc Nhà Bè-nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh) được chính thức khởi công. Năm 2007, đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18 km, được xem là đại lộ đầu tiên và dài nhất thành phố, thi công hoàn thiện đã làm thay đổi diện mạo 3.000 ha khu nam Sài Gòn. Đại lộ này thông xe còn là tiền đề hình thành khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước, góp phần thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư vào khu chế xuất Tân Thuận. Cùng với cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng và khai thác, tuyến đường trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ khu vực nam Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ.
Hầm dìm dưới lòng sông và giấc mơ nối kết đôi bờ
Tiếp nối công trình đại lộ đầu tiên của thành phố, dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ) sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, thi công năm 2005 đã hiện thực hóa giấc mơ nối từ phía đông sang phía tây thành phố. Với chiều dài gần 22 km, tuyến đường đã thông xe toàn tuyến vào năm 2011, tạo thành một trục đường mới ra vào phía nam theo hướng đông-tây, nhằm giảm ách tắc giao thông cho cầu Sài Gòn, tạo trục giao thông sang Thủ Thiêm. Tuyến đường còn đáp ứng yêu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho các cảng đi các nơi theo hướng đông bắc-tây nam thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố chia sẻ, năm 2008, ông được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây phụ trách dự án này. Dự án Đại lộ Đông Tây rất đặc biệt, ban đầu chia thành ba đoạn khác nhau, gồm phía tây, phía đông và chưa tính đến việc xây đường hầm hay cầu vượt sông. Khi làm tiền khả thi, dự án mới hình thành ý tưởng gộp chung thành một trục đường nối đông sang tây. “Ý tưởng này mang tính đột phá, có tầm nhìn lớn, phát huy hiệu quả kết nối giao thông từ tuyến đại lộ này”, ông Phúc nhận định. Cũng là người trực tiếp chỉ huy công đoạn lai dắt hầm dìm “lịch sử”, ông Phúc thuật lại, bên bờ sông Sài Gòn sáng ngày 7/3/2010 náo nhiệt khác thường. Lãnh đạo thành phố cùng hàng nghìn người dân chứng kiến sự kiện dìm hầm với tâm trạng hồi hộp, khó tả. Trước mắt mọi người là khối bê-tông hình chữ nhật, dài 93m, cao 9m, nặng 27.000 tấn, tương đương tòa nhà 25 tầng, được đưa từ bể đúc Nhơn Trạch về trung tâm thành phố rồi từ từ dìm xuống lòng sông…
Một giá trị thiết thực khác của đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ được thành phố đánh giá, công trình đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt đô thị dọc hai bên tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, tạo vẻ mỹ quan cho thành phố; đồng thời, cải thiện nguồn nước thải ra kênh (thông qua dự án cải thiện môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải). Giờ đây, những căn nhà lụp xụp của gần 10.000 hộ dân sinh sống ở hai bên kênh Tàu Hủ-Bến Nghé đã được thay bằng những công viên cây xanh, công trình công cộng, chung cư hiện đại cùng những dòng xe lưu thông ngược xuôi trên đại lộ mỗi ngày. Công trình cũng là cơ hội để đội ngũ kỹ sư Việt Nam học hỏi công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, quốc gia có nguồn viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam thời điểm đó…
Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã “thay da đổi thịt” bởi các dự án giao thông lớn, hiện đại, với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị để phát triển xứng tầm một đô thị năng động nhất nước. Đó là, công trình cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, kết nối khu trung tâm với thành phố Thủ Đức về phía đông; dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sắp được đầu tư xây dựng, mở cánh cửa cho thành phố hướng ra biển. Các tuyến cao tốc, vành đai như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh- Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 3 đưa vào khai thác giúp giao thương hàng hóa và lưu thông đi lại thông suốt giữa thành phố và các tỉnh miền tây, miền Đông Nam Bộ.
Theo Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến năm 2024, thành phố có 5.000 km đường bộ, với 1.164 cây cầu tổng chiều dài hơn 97 km. Ngoài ra, còn có 56 nút giao thông khác mức (cầu vượt) chủ yếu trên các trục đường chính có mật độ giao thông lớn. Các công trình được đưa vào khai thác, sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố, cải thiện hạ tầng giao thông: Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44% (năm 2015 là 8,28%); Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,44 km/km² (năm 2015 là 1,9 km/km²). |
Giao thông, đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội

Hiện thực hóa cơ chế đặc thù
Giám đốc Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: Giai đoạn 2006-2015 là thời kỳ thành phố bắt đầu công cuộc hiện đại hóa kết cấu hạ tầng với những công trình, dự án lớn trở thành biểu tượng của thành phố được đưa vào khai thác, như các đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng, các cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm.
Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho giai đoạn 2016-2025 khoảng 176.220 tỷ đồng, tăng 2,63 lần so với giai đoạn 2006- 2015. Trong đó, riêng giai đoạn 2021-2025, thành phố thực hiện 331 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 126.357 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi số dự án so với giai đoạn 2016-2020.
Giao thông là lĩnh vực có vai trò quan trọng, chính yếu trong đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, vốn đầu tư công dành cho phát triển hạ tầng giao thông chính là động lực giúp tăng trưởng và phát triển bền vững.
Năm 2024, thành phố dành nguồn vốn đầu tư công khoảng 79.000 tỷ đồng cho các dự án; trong đó cho hạ tầng giao thông chiếm khoảng 70%. Con số này tiếp tục tăng vào năm 2025 và những năm tiếp theo. Thành phố dự kiến, giai đoạn 2026-2030 tổng nguồn vốn dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (chưa kể các dự án đường sắt đô thị) là 467.654 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Lâm, có được những thành quả vượt bậc, làm cho bộ mặt giao thông thành phố chuyển biến mạnh mẽ là nhờ các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội để Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách đặc thù đầu tư và huy động nguồn lực phát triển giao thông. Đơn cử, như dự án đường vành đai 3 nhờ vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, chỉ trong sáu tháng thủ tục đầu tư được phê duyệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện chưa đến một năm và đến nay, sau gần hai năm thi công, dự án chuẩn bị đưa vào khai thác 14,7 km đầu tiên.
Theo Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Phan Công Bằng, Nghị quyết 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị cho phép thành phố được phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ định thầu,… giúp quá trình đầu tư xây dựng rút ngắn được 3-4 năm so với trước đây, thậm chí nhiều hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng cơ chế đặc thù này, kỳ vọng sớm khởi công tuyến Metro số 2 trong năm 2025; từ năm 2026 trở đi sẽ khởi công thêm các tuyến còn lại, góp phần hoàn thiện đầu tư xây dựng 7 tuyến đường sắt đô thị có chiều dài 355 km từ nay đến năm 2035. Điều này cho thấy, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương thông qua chính sách đặc thù đã giúp thành phố “khơi thông” và rút ngắn cơ chế, thủ tục, cho phép vận dụng các mô hình và chính sách thu hút đầu tư,… tạo động lực mạnh mẽ để giao thông bứt phá, tạo một cực tăng trưởng cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ.
Khắc phục hạn chế trong đầu tư hạ tầng
Dù hàng trăm km đường, cây cầu, hầm chui cùng các công trình hạ tầng được đầu tư, đưa vào khai thác giúp bộ mặt giao thông thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường huyết mạch, các cửa ngõ thành phố. Hạn chế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Anh Hoàng, một lái xe tải thường xuyên chở hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Củ Chi cho biết: “Dù thành phố đã làm hầm chui nhưng chuyện di chuyển từng chút trên Quốc lộ 22 vẫn như cơm bữa. Tôi hy vọng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sớm được khởi công để phá thể độc đạo của tuyến Quốc lộ 22 này”. Tương tự, hình ảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông vẫn là nỗi lo lắng, tạo áp lực hằng ngày khi người dân lưu thông trên các tuyến đường huyết mạch nội đô như Cộng Hòa, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Thọ; các tuyến ra vào cửa ngõ thành phố như Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh…
Trong khi những dự án, công trình đang xây dựng lại có tiến độ ì ạch, thậm chí bị “treo” làm chậm kết nối hạ tầng giao thông, tác động xấu đến đời sống của người dân. Theo thống kê, hiện mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố là 2,38 km/km2 (theo quy chuẩn quốc gia là 10-13,3 km/km2), tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị là 13,88% (theo quy chuẩn là 24-26%)… chính là thách thức cần được nỗ lực tháo gỡ, đầu tư mạnh mẽ đối với hạ tầng giao thông.
Theo Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh, sự gia tăng nhanh về dân số cơ học, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế là nguyên nhân chính phải đối mặt. Cùng với đó, quy hoạch chung còn chậm điều chỉnh, chưa sát với thực tiễn cuộc sống dẫn đến hạ tầng giao thông chậm “bắt nhịp” với đòi hỏi của thực tế.
Ngoài ra, vướng mắc tồn tại nữa là năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ì ạch, địa phương còn đứng ngoài cuộc dẫn đến nhiều công trình thi công kéo dài từ năm này qua năm khác, làm đội vốn đầu tư; thậm chí ảnh hưởng đến chủ trương chung của dự án.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được thẳng thắn nhìn nhận: Hạ tầng giao thông là cốt lõi của nền kinh tế, là chìa khóa then chốt “mở cửa” cho vận hội phát triển; do đó, thành phố sẽ dồn sức mạnh mẽ cải tiến cơ chế và thủ tục, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, góp phần khơi thông các nguồn lực phát triển. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thành phố tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Thành phố Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên vươn mình, khẳng định vị thế của một đô thị đặc biệt; trong đó hạ tầng giao thông sẽ tất yếu là trụ cột, tiền đề để thành phố mang tên Bác huy động tối đa các nguồn lực tạo sức bật mới, niềm tin mới cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Quý Hiền